Khoai mỡ - “Báu vật” vùng đất Thạnh Hóa (Long An)

30/07/2023 12:25:43 CH
Share Bai :

 Cây khoai mỡ là cây trồng truyền thống và chủ lực của huyện Thạnh Hóa (Long An) – vùng đất nhiễm phèn, mặn nặng của vùng Đồng Tháp Mười. Với hương vị thơm, ngon, dẻo bùi, màu sắc đa dạng, giàu chất dinh dưỡng,… khoai mỡ là loại cây trồng mang đến nguồn thu nhập chính giúp người dân Thạnh Hóa “vượt nghèo”.

Cây khoai mỡ là một trong những loại cây trồng thể hiện ưu thế vượt trội về đặc tính thích nghi trên đất phèn, mặn ở vùng Đồng Tháp Mười. Bởi vì đó, khoảng hơn 10 năm về trước người dân tại huyện Thạnh Hóa (Long An) bắt đàu chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang trồng khoai mỡ. Vì có hương vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, khoai mỡ dẫn “được lòng” người tiêu dùng, nhờ đó người dân nơi đây dần có cuộc sống ổn định.

Cứ mỗi năm vào mùa khoai mỡ từ tháng 11 đến tháng 7 hằng năm, khi có dịp ghé ngang qua vùng Thạnh Hóa – Long An theo đường quốc lộ N2 nối từ TP HCM đi các tỉnh Miền Tây và quốc lộ 62 nối từ thành phố Tân An đi biên giới Cambodia thông qua cửa khẩu Bình Hiệp, đâu đâu cũng thấy cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền đầy ắp khoai mỡ đang chờ được thương lái vận chuyển đi các địa phương và đến các nhà máy tiêu thụ.

Cây khoai mỡ được thu hoạch bắt đầu từ tháng 11, mỗi khi bà con kéo cây lên được một bề khoai mỡ nặng trĩu.

Hiện nay, khoai mỡ được sản xuất, thu mua theo hướng liên kết đầu ra, được tiêu thụ trong nước thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện ích..

Sản phẩm củ khoai mỡ không chỉ được phân phối trong phạm vi khu vực địa phương mà còn vươn mình đến tận khu vực Châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật và Cambodia, mang lại niềm tự hào của vùng đất Long An.

Hiện nay, huyện Thạnh Hóa có tổng diện tích khoai mỡ là 2.486,6 ha; tập trung tại các xã Thủy Đông, Tân Tây, Thạnh An, Thủy Tây và thị trấn Thạnh Hóa; trong đó xã Thủy Đông có diện tích khoai mỡ nhiều nhất (khoảng 2.000 ha).

Theo Phòng NN PTNT huyện Thạnh Hóa cho biết: “Nhằm thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao, gắn với công nghiệp chế biến nông sản, huyện đã quy hoạch vùng chuyên canh khoai mỡ với diện tích 1.000 ha tại xã Thủy Đông. Hiện đang triển khai hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng như đê bao lửng, đường trục nhánh nội đồng, trạm bơm điện…đồng bộ và đáp ứng nhu cầu sản xuất”.

Xen kẽ những bờ kênh dẫn nước là những ruộng khoai mỡ xanh mướt,

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm khoai mỡ “Bến Kè”

Để phát triển sản phẩm khoai mỡ lâu dài, huyện Thạnh Hóa đã đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bến Kè” cho củ khoai mỡ và được Cục Sở hữu trí tuệ ngày 5/8/2022 ban hành Quyết định số 3333/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00118 “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ. UBND huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Sản phẩm khoai mỡ trắng và khoai mỡ tím Bến Kè

Đây cũng là thời cơ để sản phẩm khoai mỡ địa phương xây dựng thương hiệu trên thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, góp phần tăng vị thế của cây khoai mỡ trên vùng Đồng Tháp Mười.

Củ khoai mỡ Bến Kè có hình trụ tròn, dài thuôn đều, ít phân nhánh, trọng lượng củ lớn (1,7 – 2,5 kg/củ với khoai mỡ trắng, 0,9 – 1,7 kg/củ với khoai mỡ tím), thân củ có nhiều rễ phụ, bề mặt cắt nhớt, có nhiều chất nhầy, hạt tinh bột có hình tròn phân bố đều, có ranh giới rõ. Củ khoai mỡ trắng Bến Kè có hàm lượng nước: 66,2 – 69,6%; hàm lượng tinh bột: 24,4 – 27,9%; hàm lượng Kali: 3,1 – 4,9 mg/100g; hàm lượng Mangan: 1,9 – 8,4 mg/100g. Củ khoai mỡ tím Bến Kè có hàm lượng nước: 70,3 – 72,8%; hàm lượng tinh bột: 17 – 22,2%; hàm lượng Kali: 2,1 – 4,9 mg/100g; hàm lượng Mangan: 1,6 – 10,5 mg/100g.

Khoai mỡ Bến Kè có những tính chất, chất lượng đặc thù như vậy là nhờ có điều kiện tự nhiên đặc trưng của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có mùa lũ từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch. Nước lũ từ thượng nguồn theo các chi lưu, kênh rạch đã dâng lên và làm ngập lụt hầu hết diện tích canh tác của một số xã tại huyện Thạnh Hóa, trừ các gò cao.

Sự xâm nhập của lũ hằng năm theo chu kỳ đã mang lại nhiều nguồn lợi đáng kể, trong đó phải kể đến nguồn phù sa màu mỡ, khoáng chất bồi tụ làm giàu dinh dưỡng cho đất, hạn chế sự phát triển của các dịch hại tác động đến cây trồng. Ngoài ra, thời vụ sản xuất khoai mỡ của người dân tại Bến Kè cũng chịu ảnh hưởng từ mùa lũ, dẫn đến sự khác biệt với các khu vực sản xuất khoai mỡ khác.

Người dân Bến Kè sẽ bắt đầu xuống giống vào tháng 12, chăm sóc cây khoai từ tháng 12 tới tháng 5 và thu hoạch từ tháng 6 tới tháng 8. Khi mùa lũ về vào tháng 9, đất sản xuất sẽ được để hoang, ngập lũ cho đến hết mùa lũ vào tháng 11.

Người dân “nô nức” đi thu hoạch khoai mỡ

Ngoài các điều kiện tự nhiên đặc thù, người dân Bến Kè cũng có những bí quyết sản xuất riêng, góp phần tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của củ khoai mỡ. Giống khoai mỡ được sử dụng là giống khoai mỡ trắng Mộng Linh, khoai mỡ tím than và tím bông lau bản địa.

Để phát triển sản phẩm khoai mỡ vươn ra quốc tế, huyện Thạnh Hóa đang phối hợp Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Long An thực hiện đề tài tuyển chọn giống khoai mỡ phẩm chất tốt, năng suất cao phù hợp với điều kiện sinh thái và đặc điểm canh tác của địa phương để sản xuất, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm

Đồng thời, triển khai hướng dẫn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã về quy trình sản xuất công nghệ cao để tạo ra sản phẩn an toàn, chất lượng đạt đúng tiêu chuẩn VietGap hướng đến sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Thời gian qua, tỉnh Long An phối hợp cùng Sở Công Thương tìm thị trường tiêu thụ khoai mỡ cả trong và ngoài tỉnh như giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư - tiêu thụ, phát triển nông nghiệp - nông thôn tiểu vùng Đồng Tháp Mười tại Long An, Hội chợ Nông nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức nhiều chuyến đi cho cá nhân, đại diện doanh nghiệp, HTX tìm kiếm thị trường tại các tỉnh và cửa khẩu phía Bắc nhằm tìm kiếm đối tác tiêu thụ tại thị trường lớn Trung Quốc; tổ chức hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm khoai mỡ giữa tổ hợp tác (THT), HTX khoai mỡ Long An với chợ đầu mối TP.HCM;...

Qua các hoạt động trên, khoai mỡ Long An được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, tạo điều kiện tiếp cận các đối tác tiềm năng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm khoai mỡ.

Cần đầu tư kết cấu hạ tầng và tìm đầu ra cho nông sản

Tuy nhiên, việc tìm đầu ra và phát triển các sản phẩm từ khoai mỡ vẫn gặp khiều khó khăn. Với sản lượng khá lớn nhưng hiện nay giá tiêu thụ bấp bênh, các nông dân vẫn chưa có đầu mối ổn định để tiêu thụ nông sản, chủ yếu bán cho thương lái nên dễ bị "ép giá", không bảo đảm quyền lợi.

Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh nông sản số lượng còn ít, thu mua nông sản phân tán vì vậy nguồn cung phần lớn phụ thuộc vào hệ thống thương lái hoạt động tự do, dẫn đến tình trạng nguồn hàng không ổn định, khó truy xuất nguồn ngốc và chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Tỷ lệ vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm khoai mỡ còn hạn chế, chưa có đa dạng sản phẩm từ khoai mỡ và các sản phẩm mũi nhọn có giá trị tăng cao và thương hiệu mạnh. Vì vậy, các sản phẩm khoai mỡ vẫn chưa thực sực “chắp cánh” ra biển lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp đang chú trọng vào buôn bán nguyên liệu thô, nên khó đáp ứng được thị trường tiêu thụ, làm giảm khả năng gia tăng giá trị khoai mỡ.

Chợ nông sản Thạnh Hóa là nơi tập trung các đặc sản vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời đây cũng là đầu mối nông sản cho các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ khoai mỡ, khoai mì,…

Trước thực trạng trên, tỉnh Long An đã có kế hoạch nhằm phát triển, tập trung, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng dự án Khu thương mại tại Khu phố 3, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa có diện tích hơn 22.000m2.

Dự án Khu thương mại này sẽ thay thế chợ Nông sản Thạnh Hóa (hay còn gọi là chợ chim) do Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Thương mại Dịch vụ Thu Ngân (Công ty Thu Ngân) đầu tư xây dựng.

“Khu thương mại Thạnh Hóa sẽ tích hợp với trạm dừng chân, khách sạn, siêu thị, cửa hàng xăng dầu. Trong đó, khu vực siêu thị sẽ là nơi bày bán các sản phẩm đặc sản vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt, nơi đâycòn tập trung các sản phẩm nông nghiệp như khoai mỡ, khoai mì,… Các sản phẩm nông sản không chỉ bán cho các du khách mà còn là “đầu mối” để doanh nghiệp thu mua các sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười nhằm đảm bảo được chất lượng nông sản, ổn định giá nông sản và giúp doanh nghiệp dễ dàng truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng nông sản. Hướng đến đồng hành sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế để xuất khẩu ra nước ngoài” ông Bùi Đắc Hướng – Giám đốc Công ty Thu Ngân cho biết.

Dự án Trạm dừng chân tại thị trấn Thạnh Hóa sẽ là nơi để quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm đặc sản của Long An nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung.

Để đưa khoai mỡ trở thành sản phẩm đặc trưng và tạo ra sự đa dạng sản phẩm, vươn tầm quốc tế, tỉnh Long An đã kêu gọi đầu tư, xây dựng dự án Nhà máy chế biến khoai mỡ. Theo đó dự án có tổng diện tích 3ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 20 triệu USD. Sản phẩm của dự án là tinh bột khoai mỡ, rượu Zayo, mì Soba xuất khẩu sang Nhật Bản và những sản phẩm chế biến từ khoai mỡ.

Đây không chỉ là cơ hội phát triển sản phẩm khoai mỡ, giúp người dân phát triển kinh tế mà còn là cơ hội đưa khoai mỡ trở thành “báu vật” của tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung.

Hoàng Ngọc - Trung Phong - Hữu Huyền

  • Tags: