“Khát nước sạch ” -  Nửa thế giới đang kêu cứu

26/07/2020 9:12:18 SA
Share Bai :

 

MT&XH-Trái đất là một hành tinh xanh, có nhiều nước, nhưng 95,5% lượng nước có trên Trái đất là nước biển và đại dương. Lượng nước ngọt mà loài người có thể sử dụng được chỉ chiếm khoảng 0,01% lượng nước ngọt có trên Trái đất. Cuộc sống của tất cả chúng ta và nhiều loài sinh vật khác phụ thuộc vào lượng nước ít ỏi đó. Song song là Đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp - công nghiệp và biến đổi khí hậu cũng đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước.
 

Lượng nước quý giá đang bị suy thoái một cách nhanh chóng do các hoạt động của con người và con người đang phải vật lộn với sự thiếu hụt nước ngọt tại nhiều vùng trên thế giới. Nước chính là thứ tài nguyên vô giá, là tặng vật mà thiên nhiên ban tặng. Tuy nhiên nhiều người lại lầm tưởng rằng “ cái lộc trời ban” đó sẽ không bao giờ cạn kiệt. Chính quan niệm sai lầm này đã dẫn tới tình trạng dùng lãng phí nước sạch và đó là lý do giải thích vì sao nguồn nước sạch đang ngày một cạn kiệt.
Trong khi lượng nước ngầm dự trữ có thể dùng được không nhiều thì con  người lại gây lãng phí tới 30%, kéo theo nguy cơ khan hiếm nguồn nước lại càng lớn. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy, trong 37 tầng ngậm nước lớn nhất trái đất, 8 nguồn nước bị đánh giá là hoạt động quá công suất và hầu hết không hề có lượng nước tự nhiên bù đắp. Ngoài ra, 5 tầng ngậm nước khác cũng đang bị khai thác quá tải nghiêm trọng. Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay thì vấn đề nước sạch đang là vấn đề báo động và đáng được quan tâm của không chỉ các nước phát triển mà còn đối với các nước đang phát triển nữa, những nước giàu cũng như nghèo. Điều này cũng chứng tỏ được đây là vấn đề toàn cầu hiện nay và cần sự chung tay nỗ lực của toàn thế giới.


Theo Liên hiệp quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên thế giới không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỷ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh không phù hợp. Hiện tại, hơn 80 quốc gia, đại diện cho 40% dân số thế giới, đang trải qua tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, nhất là khu vực Tây Nam Á và những vùng đất khô hạn và bán khô hạn châu Phi. Các chuyên gia về nước trên thế giới cảnh báo, hiện cứ 3 người trên trái đất thì có một người sống trong tình trạng thiếu nước. Thiếu nước đã là câu chuyện của toàn cầu. Chính vì vậy, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về cách thức quản lý, sử dụng nguồn nước đang ngày càng khan hiếm khi mà dân số thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 2 - 3 tỷ người vào năm 2050.Cùng đó có 17 quốc gia trên thế giới đã tiêu thụ tới 80% lượng nước có sẵn hàng năm trong khi vẫn chưa hết năm 2020. Trong khi đó, biến đổi khí hậu liên tiếp gây ra các đợt hạn hán kéo dài, khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Theo số liệu của WRI cập nhật trên Bản đồ nguy cơ thiếu nước thế giới (Aqueduct Water Risk Atlas), tình hình thiếu nước sạch đang diễn biến phức tạp chủ yếu tại các vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó đáng chú ý là Qatar, Israel và Liban. Ấn Độ xếp thứ 13 trong số các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Nhưng với dân số hơn 1,3 tỉ người – cao gấp 3 lần tổng số dân ở 16 quốc gia khác trong danh sách, tình hình thiếu nước tại đây trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.


Việt Nam cũng là một trong số những nước đang hứng chịu hậu quả nặng nề của sự biến đổi khí hậu; mức độ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang trong tình trạng báo động hơn bao giờ hết. Khoảng hơn 20% dân cư chưa được tiếp cận nguồn nước sạch (khoảng 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý); trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước. Lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA); 30% người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch; nguồn nước ngầm đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm do bị xâm nhập mặn, ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng; hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa...  


Một số khu vực, nước dưới đất có nguy cơ ô nhiễm chất arsen cao, nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng (có 792 xã) và đồng bằng sông Cửu Long (229 xã), vùng Bắc Trung bộ (155 xã).  Nguồn nước ở hầu hết khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng (như lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai, sông Sài Gòn) do nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn xả vào nguồn nước.
Tình trạng ô nhiễm và khan hiếm môi trường nước, ngoài những nguyên nhân khách quan do yếu tố tự nhiên gây ra và nhu cầu sản xuất, đời sống ngày càng cao, thì nguyên nhân chủ yếu là do: Sự hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng; việc các chất thải từ sản xuất, sinh hoạt, khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước; quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh; các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng vẫn mang tính hình thức; công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập, mang tính thủ tục; công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường còn hạn chế; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn thấp; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn… 


Điều đáng nói là các hoạt động của con người đã và đang làm giảm sút một cách đáng kể số lượng và chất lượng nguồn nước ngọt của thế giới. Các hoạt động thiếu quy hoạch hợp lý như ngăn sông, đắp đập, chuyển đổi đất ngập nước, phá rừng, thải các chất thải sinh hoạt và công nghiệp ngày càng nhiều, đến mức thiên nhiên không thể phân hủy kịp, đã và đang gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Trong lúc đó, nhu cầu ngày càng tăng nhanh của con người về nguồn nước ngọt đã làm thay đổi các dòng nước tự nhiên, thay đổi quy trình lắng/đọng và làm giảm chất lượng nước. Tình trạng thiếu nước trên thế giới ngày càng lan rộng, nạn khô hạn kéo dài, gây nhiều hậu quả về kinh tế và xã hội cho nhiều vùng rộng lớn. Tất cả những điều đó đều tác động tiêu cực lên sự phát triển, làm suy giảm đa dạng sinh học và chức năng của các hệ thống thủy vực trên thế giới.


Để có thể bảo tồn nguồn tài nguyên nước hết sức ít ỏi của chúng ta, chúng ta phải nhận thức được rằng cần phải giữ được sự cân bằng nhu cầu và khả năng cung cấp bằng cách thực hiện các biện pháp thích hợp. Để có thể hồi phục được sự cân bằng mỗi khi đã bị thay đổi, sẽ tốn kém rất lớn, tuy nhiên, có nhiều trường hợp không thể sửa chữa được. Vì thế cho nên, nhân dân tại tất cả các vùng phải biết tiết kiệm nước, giữ cân bằng giữa nhu cầu sử dụng với nguồn cung cấp, có như thế mới giữ được một cách bền vững nguồn nước với chất lượng an toàn.

Thu Phương

  • Tags: