Khai mạc Lễ hội “Kỳ Phúc Lục Ngoạt” Đền Sắc năm 2025: Gìn giữ giá trị văn hóa tâm linh ngàn đời

09/07/2025 12:31:47 CH
Share Bai :

Sáng 15/6 âm lịch, tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Sắc, xã Thạch Lạc, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng diễn ra Lễ hội “Kỳ Phúc Lục Ngoạt” năm 2025. Sự kiện thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về tham dự, cùng hòa mình trong không khí linh thiêng, trang trọng và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Dấu ấn thiêng liêng từ ngôi đền cổ hàng trăm năm tuổi

Lễ hội “Kỳ Phúc Lục Ngoạt” là một nghi lễ truyền thống mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được tổ chức hằng năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội có nguồn gốc từ câu chuyện lịch sử gắn liền với ngôi đền linh thiêng có từ thế kỷ XVI – Đền Sắc.

Theo sử sách, năm 1557, khi vua Lê Anh Tông tuần du bằng thuyền rồng qua vùng biển Thạch Lạc, bất ngờ gặp sóng to gió lớn. Nhà vua cho dừng thuyền, sai quan quân vào ngôi đền ven biển dâng hương cầu nguyện. Kỳ diệu thay, sau lễ cúng tế, biển trời lập tức yên bình trở lại, đoàn thuyền vua an toàn trở về kinh đô. Biết ơn sự linh ứng của thần Nhị Lang Long Vương (còn gọi là Ông Hai Long Vương), nhà vua đã sắc phong thần và cho tổ chức cúng tế thường niên tại Đền Sắc. Từ đó, lễ hội “Kỳ Phúc Lục Ngoạt” ra đời và duy trì suốt hơn 400 năm qua.

Di tích cấp quốc gia lưu giữ 87 sắc phong quý báu

Đền Sắc là một quần thể gồm ba ngôi đền: Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ, hiện tọa lạc trong khu vực Di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc – một phần của hệ thống di tích khảo cổ ven biển miền Trung, đặc biệt là loại hình “Cồn Sò Điệp”. Di chỉ này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 74/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 22/8/2008.

Không chỉ có kiến trúc cổ kính và cảnh quan đặc sắc, Đền Sắc còn nổi bật bởi hệ thống di vật quý như kiệu, võng, long đình, hoành phi, câu đối... Đặc biệt là 87 sắc phong qua các triều đại, từ thời Lê Thần Tông (1653–1657) đến thời Nguyễn (1802–1945), thể hiện sự ghi nhận của triều đình về công đức “bảo quốc hộ dân” và “linh ứng hiển hiện” của các vị thần được thờ tại đền.

Những sắc phong này không chỉ là báu vật tâm linh của địa phương mà còn là tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử dân tộc.

Lan tỏa giá trị văn hóa, tâm linh đến cộng đồng

Lễ hội năm nay được tổ chức theo Kế hoạch số 01/KH-UBND của UBND xã Thạch Lạc. Buổi lễ có sự tham dự của đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Bảo tàng tỉnh, Hội đồng hương Thạch Lạc tại các phường mới sáp nhập, cùng đông đảo lãnh đạo địa phương và nhân dân các thôn trong xã.


Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện Ban tổ chức khẳng định: Lễ hội không chỉ là dịp tri ân thần linh, tưởng nhớ tiền nhân có công bảo vệ dân làng và phù trợ quốc thái dân an, mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh di tích quốc gia – Đền Sắc và Di chỉ Thạch Lạc đến đông đảo công chúng, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục đón nhận sự quan tâm, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và quý du khách gần xa để từng bước nâng cấp, bảo tồn và phát huy giá trị của Đền Sắc, đưa nơi đây trở thành điểm đến văn hóa – tâm linh tiêu biểu của Hà Tĩnh,” vị đại diện nhấn mạnh.

Khơi dậy niềm tự hào quê hương, vun bồi bản sắc dân tộc

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, thì việc duy trì lễ hội như “Kỳ Phúc Lục Ngoạt” có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.


Hình ảnh những dòng người đổ về đền dâng hương, cầu phúc; những nghi lễ trang nghiêm diễn ra trong tiếng trống chiêng rộn ràng… đã làm sống dậy một không gian văn hóa đậm chất làng quê xứ Nghệ – nơi con người sống chan hòa với thiên nhiên, tôn kính tổ tiên, và gửi gắm niềm tin vào những điều tốt đẹp.


 

Lễ hội “Kỳ Phúc Lục Ngoạt” – không chỉ là ngày hội của người Thạch Lạc mà còn là dịp để du khách bốn phương cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp văn hóa tâm linh Việt Nam, về một vùng quê giàu truyền thống, kiên trung và nghĩa tình.

Dương Xuân Lộc

  • Tags: