Khai mạc Festival Nông sản Việt Nam – Vĩnh Long năm 2023
Ngày 11/9, Festival Nông sản Việt Nam – Vĩnh Long năm 2023 chính thức khai mạc, sự kiện kéo dài đến 17/9 với loạt chuỗi hoạt động, quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối thị trường tiêu thụ nông sản Việt. Mở đầu chuỗi sự kiện là chương trình “Con đường nghệ thuật gốm đỏ”.
Mở đầu chuỗi sự kiện là khai mạc “Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long” do Sở Công thương phối hợp Hiệp hội gạch gốm mỹ nghệ và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long tổ chức. Công trình được thực hiện trên tuyến đường dài hơn 500m, nối đường Võ Văn Kiệt và đường Phạm Hùng, thuộc Phường 9, thành phố Vĩnh Long.
Đến dự có đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; đồng chí Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.
Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long cùng các đại biểu cắt băng khai mạc "Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long".
Đây là công trình, con đường hết sức ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 110 Ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 – 13/9/2023); đồng thời là dịp quảng bá đến người dân, du khách quốc tế về tác phẩm, sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo thực hiện đề án “Di sản đương đại Mang Thít” và đưa sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long vươn xa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, con đường nghệ thuật là kết tinh của món quà tuyệt vời tự nhiên đã ban tặng cùng với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ trên 100 năm nay.
Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long.
““Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long" là kết tinh của món quà mà tự nhiên đã ban tặng và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, bàn tay khéo léo của bao thế hệ của người dân Vĩnh Long. Đây còn là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này, thể hiện niềm tin và kỳ vọng “Vương quốc gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn” Phó chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.
Việc xây dựng "Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long" là dịp để quảng bá các tác phẩm, sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long đến người dân trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế nhằm góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, hướng đến việc thực hiện hiệu quả đề án “Di sản đương đại Mang Thít”, từng bước đưa những sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long vươn xa, khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Được biết, điểm nhấn của con đường là tái hiện lại hình ảnh Lò gạch truyền thống được xây dựng từ 20.000 viên gạch tiểu và 500 viên gạch mái chèo, nhằm gợi nhớ đến làng nghề gốm từng một thời thịnh vượng, được mệnh danh là "Vương quốc gạch gốm" của vùng.
Mô hình lò gạch gốm thu nhỏ.
Cùng với đó là mô hình Ngôi nhà gốm đỏ được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của người dân Nam Bộ ba gian hai chái truyền thống. Ngôi nhà được mô phỏng từ ngôi nhà có thật của ông Nguyễn Văn Buôi (ngụ ở thành phố Vĩnh Long), một nghệ nhân quyết tâm vực dậy một làng nghề truyền thống của địa phương trước nguy cơ bị mai một.
Ngoài ra, con đường còn gây ấn tượng bởi các tiểu cảnh với trên 2.500 đơn vị sản phẩm gốm đỏ nhiều mẫu mã đa dạng, huy động từ 16 đơn vị sản xuất kinh doanh gạch gốm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Được biết, sản phẩm gốm với màu đỏ đặc trưng từ đất sét đã tạo nét riêng cho gốm Vĩnh Long và đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như châu Âu, Hoa Kỳ, châu Úc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, từ những năm 2010 đến nay, các cơ sở gặp nhiều khó khăn khi phải đổi mới công nghệ từ lò nung tròn sang lò nung liên hoàn, chi phí sản xuất cao, giá bán sản phẩm đầu ra thấp, do đó quy mô và công suất hoạt động không còn lớn như trước đây. Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, ước doanh thu khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch, gốm truyền thống, kết hợp với phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lò gạch, gốm truyền thống hiện có, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của cộng đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”, đồng thời Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm. Theo đó, toàn bộ lò gạch, gốm trong vùng di sản khoảng 3.060 hecta thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) được bảo tồn, hiện đã có 364 hộ dân cam kết giữ lại 653 lò.
Đến tối 11/9, UBND tỉnh và Trung ương Hội Nông dân phối hợp tổ chức lễ khai mạc Festival nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, Festival Nông sản có quy mô 700 đơn vị gian hàng và nhiều chương trình, hoạt động văn hóa lễ hội phong phú, đa dạng, hấp dẫn và ý nghĩa. Bên cạnh đó, còn có một số hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Festival Nông sản Việt Nam như: hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt", hội thi "Món ăn ngon chế biến từ nông sản đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long", hội thi "Mâm cơm ngon, bổ dưỡng từ vườn nhà"…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại lễ khai mạc
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, Festival Nông sản Việt nam - Vĩnh Long năm 2023 là sự kiện lớn tiếp nối chuỗi sự kiện "Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La.
Theo bà Vân, "Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội không chỉ của tỉnh Vĩnh Long mà còn đối với cả vùng ĐBSCL, là nhịp cầu kết nối, hỗ trợ tích cực cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước nói chung giới thiệu, tôn vinh giá trị nghề truyền thống, đặc biệt là những thành tựu phát triển nông thôn mới của các địa phương thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Tuy ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu trái cây chiếm diện tích và giá trị lớn nhất cả nước nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức như quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định…
Ngoài ra, nông sản ĐBSCL còn đối mặt với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xuất khẩu trái cây còn gặp nhiều khó khăn.
Festival Nông sản Việt Nam lần này chính là môi trường quan trọng để các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản địa phương trên thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, giúp các tỉnh, thành trong cả nước và ĐBSCL nhận ra thách thức, khẩn trương quy hoạch vùng nguyên liệu, đăng ký mã số vùng trồng và hướng nông dân canh tác theo hướng bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao.
Hữu Huyền
Tin nóng
- Giải pháp các sản phẩm Proptech lọt “Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023”
25/09/2023 7:43:27 CH
- Vùng đất Blue Zones và 9 bí quyết sống trường thọ của người dân.
20/09/2023 11:48:21 CH
- Festival nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023 thu hút hơn 100.000 lượt khách đến tham quan
19/09/2023 1:01:46 CH
- Nâng cao nhận thức về biển, đảo cho học sinh tại Bến Tre
19/09/2023 12:39:33 CH
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư thăm hỏi về vụ hỏa hoạn xảy ra tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
14/09/2023 6:44:53 CH