Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong Tòa soạn”
Sáng ngày 18-3, Hội thảo “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” đã diễn ra trong 3 giờ (từ 8h30’ đến 11h30) tại Hội trường tầng hầm Bảo tàng Hà Nội.
Nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài THVN tổ chức. Chủ trì Hội thảo là các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định sự cần thiết của việc đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI)
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: AI, ChatGPT ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến hoạt động tác nghiệp của những người làm báo. Tuy nhiên, AI không thể thay thế con người. Trước sự xuất hiện của các công nghệ mới đòi hỏi cần sự tiếp cận một cách tỉnh táo, khoa học, phát huy được lợi thế, hạn chế những tiêu cực. Theo đó, báo chí cần có những chuyển biến căn bản từ sáng tạo nội dung, mô hình tòa soạn, phát triển nguồn nhân lực đến tầm nhìn.
Hội thảo diễn ra theo 2 phiên. Trong đó, phiên 1 gồm 4 tham luận của 4 diễn giả là nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông. Nội dung các tham luận: AI và báo chí – Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam; Hiện tượng "Chat GPT": Cú huých chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí số trên cơ sở giá trị cốt lõi của mình; Thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo AI trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn; kết quả thử nghiệm Chat GPT trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí truyền hình ở Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) cùng những chia sẻ thảo luận về Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng như: AI đã làm thay đổi lao động nhà báo và quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí số như thế nào? Có thể sử dụng AI vào những bước, những khâu cụ thể nào trong sáng tạo nội dung số? Ưu thế và hạn chế của AI trong sáng tạo nội dung báo chí là gì?
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đại diện cho nhóm nghiên cứu Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày quan điểm về ứng dụng ChatGPT trong mô hình kinh tế báo chí.
Phiên thứ 2 mở đầu với thuyết trình chủ đề Ứng dụng Chatbot ở Báo điện tử VietnamPlus.vn - từ góc nhìn quản trị tòa soạn. Các diễn giả, khách mời và tất cả các quý vị tham dự trực tiếp và trực tuyến cùng thảo luận về các gợi ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bước, các khâu trong quản trị sáng tạo nội dung tại toà soạn, như: Làm thế nào để tăng tốc sản xuất nội dung, quản trị được các hoạt động sáng tạo nội dung trong toà soạn? Khi ứng dụng AI, quản trị tòa soạn đối mặt với những vấn đề gì, từ góc nhìn pháp lý, đạo đức, văn hoá?
Hội thảo diễn ra trong không khí tập trung, nghiêm túc với nhiều ý kiến về chủ đề được quan tâm
Một số diễn giả khác tham gia hội thảo: ThS Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford, Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI; nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Ngô Trần Thịnh, đại diện nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện nhóm nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
ThS Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford trình bày quan điểm về ứng dụng trợ lý ảo AI trong sáng tạo nội dung.
Hội thảo đã nhận được tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí truyền thông, các chuyên gia và học giả nghiên cứu báo chí. Các bài tham luận có nhiều cách tiếp cận rộng và sâu cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện nhiều quan điểm và hướng tiếp cận mới, phù hợp với bối cảnh phát triển xã hội thông tin trên thế giới và ở Việt Nam. Ứng dụng AI và quản trị sáng tạo nội dung để tạo ra những thay đổi trong các tòa soạn, thay đổi trong phương thức làm báo để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cách mạng 4.0, sự nổi lên của AI đặc biệt là ChatGPT trong thời gian gần đây.
Kim Cương, Vũ Hiếu, Thanh Lương
Tin nóng
- Nam Định: Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực
27/05/2023 12:12:34 CH
- Kỳ Anh - Hà Tĩnh: Ý Đảng lòng Dân tạo nên kỳ tích bao đời của ngư dân
26/05/2023 9:34:55 CH
- SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsi
23/05/2023 11:21:56 SA
- Khai trương Khu phức hợp thể thao và du lịch Legend Valley Country Club – Điểm đến đẳng cấp thế giới mới lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hà Nam
19/05/2023 11:50:39 SA
- Phát triển bền vững cùng người lao động, Vinamilk được bình chọn là “Nhà tuyển dụng được yêu thích nhất năm 2022”
10/05/2023 8:56:15 CH