Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA): Tọa đàm “Rượu không rõ nguồn gốc – thực trạng và giải pháp”
Công tác quản lý sản xuất rượu thủ công còn nhiều khó khăn và cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Toạ đàm “Rượu không rõ nguồn gốc – thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng 27/12, tại Hà Nội do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho biết, tình trạng ngộ độc rượu do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu chứa chất methanol đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, hơn nữa tình trạng mua bán rượu không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường còn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhà nước và người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi do không thu được thuế và sử dụng sản phẩm không được kiểm soát, không đảm bảo chất lượng, an toàn...
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam.
Ông Chương dẫn thống kê của VBA, cả nước hiện có hơn 162 cơ sở sản xuất rượu có quy mô công nghiệp, so với bia, quy mô các cơ sở sản xuất rượu công nghiệp phần lớn là nhỏ. Sản lượng rượu sản xuất công nghiệp tăng thấp, chỉ khoảng 75 triệu lít/năm. Từ khi có chính sách mở cửa, tình trạng sản xuất rượu làng nghề đua nhau mở ra, việc quản lý sản xuất, chất lượng, thu nộp ngân sách gặp nhiều khó khăn. Theo Báo cáo về kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp của Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương (APISWA), 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, tức là chỉ có trên 30% thị trường đang nộp thuế.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, dưới góc nhìn văn hóa và lịch sử, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay cho rằng, nấu rượu thủ công trong dân là nét văn hóa truyền thống từ ngàn đời nay và chúng ta cần trân trọng và giữ gìn nét văn hóa đó. Theo ông Dương Trung Quốc, để có những chính sách phù hợp thì cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, chuyên sâu về rượu không rõ nguồn, về rượu nấu thủ công và học hỏi kinh nghiệm quản lý rượu của nước ngoài. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cũng rất cần thiết nhằm hạn chế sử dụng rượu không rõ nguồn gốc.
GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại Tọa đàm.
GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường – Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ, cần tăng cường quản lý, kiểm soát việc mua bán cồn công nghiệp, tránh tình trạng mua bán tràn lan như hiện nay. Việc thị trường hoá việc mua, bán rượu nấu thủ công cũng cần được thực hiện nghiêm và có các quy định kiểm tra, kiểm soát chất lượng cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Phi Nga, kiểm soát viên thị trường của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường,
Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.
Bà Nguyễn Thị Phi Nga, kiểm soát viên thị trường của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhận định, hiện nay tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán rượu, bia giả trên thị trường diễn biến rất phức tạp. Các vỏ chai rượu của các thương hiệu lớn được thu mua để sản xuất, san chiết rượu giả khá phổ biến. Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường liên tục thực hiện đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với các mặt hàng rượu. Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán 2024, Cục Quản lý thị trường cũng tăng cường các hoạt động buôn bán, rượu giả trên thị trường.
Đối với rượu thủ công, Cục Quản lý thị trường cũng tổ chức cho các hộ sản xuất rượu thủ công ký cam kết về chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài cụ thể về việc xử phạt các cơ sở sản xuất rượu thủ công vi phạm cam kết đã ký. Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường mỏng, do đó việc quản lý sản xuất rượu thủ công rất khó và việc kiểm tra, xử lý vi phạm có phần hạn chế.
TS. BS Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, TS. BS Lê Quang Thuận cho rằng, để bảo đảm mục tiêu khoẻ, vui, hạnh phúc chúng ta cần tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi sử dụng rượu, bia. Nếu sử dụng hợp lý một lượng bia, rượu vừa phải có thể giúp người tiêu dùng khoẻ mạnh có được sức khoẻ tốt và hạn chế được một số nguy cơ về tim mạch. Tuy nhiên, nếu lạm dụng rượu có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu, gây hại cho tim mạch, các bệnh lý về thần kinh như loạn thần, viêm loét dạ dày, thực quản, viêm sơ ung thư gan… BS Thuận cũng kêu gọi mọi người hãy thưởng thức rượu ở mức vừa phải thay vì uống rượu quá nhiều thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Quyết Thắng - Đại Hải.
Tin nóng
- Những điểm độc đáo tại Newtown Diamond không thể tìm thấy ở bất cứ đâu
27/12/2024 3:20:00 CH
- Công ty khoáng sản của Tập đoàn Masan được vinh danh Top 100 Sao vàng đất Việt 2024
27/12/2024 9:34:37 SA
- Đắk Lắk: CSGT sẽ kiểm tra ma túy đối với tài xế xe khách trước khi xuất bến
26/12/2024 8:29:45 SA
- Hậu Giang: Thường xuyên đối thoại với người dân – một cách làm hiệu quả ở phường Vĩnh Tường
24/12/2024 2:33:03 CH
- UBND HUYỆN BA VÌ (HÀ NỘI) TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ NĂM 2025.
23/12/2024 9:27:59 CH