Hải Dương: Thực hiện nghiêm túc Nghị Quyết 36 - NQ/TU của Tỉnh ủy Hải Dương Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

17/06/2024 8:22:48 CH
Share Bai :

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương đã ban hành nghị quyết số 36 – NQ/TU ngày 29/12/2023 về việc tăng cường công lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch 266/KH-UBND  ngày 24/01/2024 để triển khai Nghị quyết số: 36 – NQ/TU của Tỉnh ủy Hải Dương trong đó yêu cầu:

UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị Quyết trên địa bàn. Các sở, ngành, đơn vị hướng dẫn các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động bến bãi; phối hợp với UBND cấp huyện trong xử lý các bến bãi không đủ điều kiện hoạt động. Trong quá trình thực hiện phải bám sát quan điểm, mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết số 36-NQ/TU và quy định của pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa UBND cấp huyện và các sở, ngành, đơn vị liên quan; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ. Người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý hoạt động bến bãi trên địa bàn.

Để thực hiện hóa các nội dung trên UBND thành phố Hải Dương cũng đã có những chỉ đạo sát sao cụ thể trong Kế Hoạch số 52/ KH-UBND ngày 18/03/2024 UBND thành phố Quán triệt, triển khai và cụ thể hóa nội dung Kế hoạch 266/KH-UBND ngày 24/01/2024 của UBND tỉnh Hải Dương trên địa bàn thành phố Hải Dương. Nhằm mục đích đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh bến bãi của các tổ chức, cá nhân đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Yêu Cầu UBND các phường, xã: Nam Đồng, Việt Hòa, Cẩm Thượng, Bình Hàn, Hải Tân, Ngọc Châu, Nhị Châu, Tiền Tiến, An Thượng, Ngọc Sơn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch 266/KH-UBND tỉnh Hải Dương trên địa bàn quản lý.

Công ty Phượng Hoàng đã và đang hoạt động có sai phạm nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý triệt để

Nhưng thực tế trên địa bàn thành phố Hải Dương vẫn đã và đang còn tồn tại những hoạt động bến, bãi những công trình, nhà xưởng, trạm bê tông chưa thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của Pháp luật. Trong đó, đặc biệt là hàng loạt công trình của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng tại phường Cẩm Thượng  đã vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Xây dựng và cả Luật Đất đai.Thế nhưng vẫn tồn tại nhiều năm mà không bị xử lý. Hàng loạt bến bãi, nhà hàng, nhà xưởng trạm Asphalt và trạm bê tông thương phẩm được Công ty Phượng Hoàng đã và đang hoạt động rầm rộ ngày đêm bất chấp việc hoạt động đi ngược lại với các quy định của Pháp luật. Việc kiểm tra các đơn vị cũng được các cơ quan chức năng ngán ngẩm như Chủ tịch phường Cẩm Thượng – ông Đinh Văn Tuyền chia sẻ “Đơn vị đã bị UBND thành phố Hải Dương xử phạt theo Quyết định số: 3409/QĐ-XPVPHC và Quyết định số: 3410/ QĐ-XPVPHC ngày 13/10/2023” nhưng đơn vị vẫn cứ hoạt động. Phải chăng việc xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị vẫn còn quá nhẹ tay khi các hoạt động kinh doanh của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng đã tồn tại qua nhiều năm không được các cơ quan chức năng cho phép có nguy cơ gây thất thuy nhân sách nhà nước, gây thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và gây ảnh hưởng tới sức khỏe, kế sinh nhai của hàng triệu người sống đôi bờ sông Thái Bình.

Cũng nằm trên phần diện tích bãi bồi ngoài đê Tả sông Thái Bình gần Cụm Công nghiệp Ba Hàng, phường Nam Đồng là một khu vực lớn được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy gạch Tuynel và bãi bốc xếp vật liệu xây dựng của Công ty Thương mại vận tải Thành Đạt. Quyết định số: 3120/QĐ – UBND ngày 30/08/2007 nhưng cũng không hiểu do đâu tại vị trí này lại được xử dụng làm trạm trộn bê tông thương phẩm, Asphalt mang tên Hồng Lạc của Công ty Cổ phần thương mại Nguyệt Linh (Cty Nguyệt Linh).

Đến ngay Phó Chủ tịch phường Nam Đồng - ông Nguyễn Hoàng Phủ sau khi kiểm tra hồ sơ cũng chỉ được biết đơn vị có hợp đồng kinh tế với nhau còn việc kiểm tra đơn vị hoạt động trên địa bàn gây ảnh hưởng hay không ông Phủ cũng không rõ vì “không thuộc thẩm quyền”.

Trạm trộn bê tông Hồng Lạc chưa được cấp phép xả thải trực tiếp Ra ngoài môi trường

Như vậy Trạm trộn bê tông Hồng Lạc không được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê đất và cũng chẳng được UBND tỉnh Hải Dương cấp phép hoạt động thế nhưng hàng ngày hàng giờ bến thủy nội địa vẫn được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng, khói bụi nước thải, chất thải của trạm vẫn được xả trực tiếp ra ngoài môi trường. Cũng trong thời gian qua hàng trăm tấn cá nuôi của bà con tại phường Bình Hàn đã chết gây ảnh hưởng tới kế sinh nhai của bà con, nguyên nhân được cho là do ô nhiễm nguồn nước. Vậy trạm trộn bê tông Hồng Lạc hàng ngày xả thải gây ô nhiễm môi trường như vậy đã được các cơ quan chức năng, các đơn vị giám sát kiểm tra xử lý ra sao? Có chăng đây cũng là một nguyên nhân làm cho sông Thái Bình ngày càng trở nên ô nhiễm. Việc Công ty Thành Đạt tự ý sử dụng chưa đúng mục đích dự án liệu có được UBND tỉnh Hải Dương xử lý triệt để.

Hoạt động gây ô nhiễm trường đã bị xử lý nhưng trạm bê tông Hà Hải vẫn không chấp hành tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường môi

Còn ở xã Ngọc Sơn cũng tồn tại trạm trộn bê tông Ngọc Sơn và trạm bê tông Hà Hải tại thôn Ngọc Lặc, giống với các đơn vị đã nêu ở trên hai đơn vị này đều thuê lại đất của đơn vị được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương làm dự án làm cây xăng và bãi chứa vật liệu xây dựng. Trong đó Trạm trộn Hà hải đã bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 2353/QĐ-XPVPHC ngày 04/05/2022 và cho đến nay đơn vị này vẫn tiếp tục xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Còn Về trạm trộn bê tông Ngọc Sơn đơn vị này cũng được xác định có vi phạm đê điều. Trong khi việc pháp lý của đơn vị không được các cơ quan chức năng cho phép nhưng đã hoạt động từ năm 2019 cho tới nay do đâu vẫn đang được tồn tịa mà không được các cơ quan chức năng xử lý.

Hơn thế nữa, dù cho không phải ở bãi bồi sông Thái Bình nhưng ngay chính gần khu dân cư tại khu 11 phường Bình Hàn cũng đang tồn tại Trạm trộn bê tông Phúc Tiến hoạt động rầm rộ gây ô nhiễm môi trường.

Trạm trộn bê tông Phưc Tiến nằm giữa khu dân cư số 11 phường Bình Hàn

Được biết nguồn gốc đất của trạm trộn bê tông Phúc Tiến đang sử dung dụng trước đây là đất nông nghiệp, sau đó chuyển đổi sang đất trồng cây lâu năm. Không được quy hoạch làm trạm trộn. Theo Cán bộ địa chính phường Bình Hàn cho biết hiện tại trạm trộn bê tông Phúc Tiến vẫn đang hoạt động và sử dụng đất sai mục đích". Việc hoạt động trạm trộn nằm sát khu dân cư sử dụng sai mục đích xử dụng đất, trong quá trình hoạt dộng gây ô nhiễm môi trường xuyên xuốt năm này qua năm khác bất chấp nằm gần trung tâm thành phố Hải Dương.  Sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng như Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố khi được giao là đơn vị đầu mối thông tin cũng chỉ nhận lại được câu trả lời “chờ kết luận Thanh tra của Tỉnh”. Phải chăng các cơ quan chức năng của thành phố Hải Dương chưa nhìn, chưa biết, chưa thanh kiểm tra với những vi phạm trên địa bàn đang quản lý. Hay do việc vi phạm “vượt thẩm quyền” và “chờ đợi kết quả thanh tra của tỉnh” nên các đơn vị đang có sai phạm vẫn được tự do hoạt động coi thường luật pháp đi ngược lại với Chủ trương của Tỉnh ủy – UBND tỉnh Hải Dương. Thực trạng về việc cơ quan quản lý nhà nước tại cơ sở như UBND phường Cẩm Thượng, phường Bình Hàn, phường Nam Đồng hay như phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố là cơ quan giám sát, cơ quan quản lý nhưng khi được thông tin tới đều là “không rõ”, “vượt thẩm quyền” hay “đang chờ chỉ đạo”. Có hay không việc thờ ơ lãnh cảm có phần tác trách của một bộ phận cán bộ đã và đang không làm tròn trách nhiệm người đứng đầu địa phương của mình.

Quy định của Pháp luật về bảo vệ Môi trường: Căn cứ Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường quy định về nguyên tắc Bảo vệ môi trường như sau:

“1. Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

2. Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

3. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

4. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh, chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

5. Bảo vệ môi trường phải phù hợp vái quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

6. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

7. Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.”

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, như:

- Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Xả nước thải, xả khí thải ra môi trường chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

- Phát tán vào môi trường các hóa chất độc hại; vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật; vi sinh vật chưa được kiểm định; xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với con người, sinh vật và tự nhiên.

- Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

- Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.

- Không thực hiện các công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan.

- Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường…

Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài ban hành chính sách đồng bộ, tuyên truyền vận động thì sự kiểm tra giám sát của các cấp chính quyền là điều kiện kiên quyết để tránh những hệ lụy gây tiêu cực tới môi trường và đời sống người dân. Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Tỉnh ủy Hải Dương và sự mong mỏi của người dân. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng của thành phố Hải Dương sớm xử lý triệt để những vi phạm tránh những hệ lụy có thể xảy ra và để giữ gìn môi trường Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và cuộc sống cho cộng đồng.

Văn Hiếu

  • Tags: