Giao Thủy (Nam Định): Huyện tiên phong của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

09/01/2025 10:06:24 SA
Share Bai :

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với mong muốn làm thay đổi căn bản, rõ nét bộ mặt nông thôn của huyện, đem lại cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh cho người dân. Trong vài năm trở lại đây, huyện Giao Thủy đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nông thôn mới sáng - xanh - sạch – đẹp.

Quyết định công nhận Nông thôn mới của Thủ tướng

Là huyện tiên phong của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, Thời gian qua huyện Giao Thủy đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân. Nhờ đó, diện mạo nông thôn huyện Giao Thủy đã thay đổi đáng kể, có chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực: Kinh tế phát triển khá, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao; kết cấu hạ tầng thiết yếu ngày càng khang trang, hiện đại; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện.

Đến nay, huyện tiếp tục tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện đã có 18/20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2/2 thị trấn Ngô Đồng và Quất Lâm (đạt 100%) đã được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. 14/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó xã Giao Phong đang được Trung ương lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình “Xã nông thôn mới thông minh”.

Theo như báo cáo số: 182A/BC-UBND huyện Giao Thủy cũng thể hiện được những khó khăn và thuận lợi mà huyện đang gặp phải. Về thuận lợi - Giao Thủy là huyện ven biển của tỉnh Nam Định, có Vườn Quốc gia Xuân Thủy với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, có bờ biển dài với vùng bãi triều đang tiếp tục bồi tụ, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, phát triển kinh tế biển và giao thương nội địa với quốc tế; từ đó tạo cơ hội mở rộng thị trường và thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, vận tải biển, công nghiệp đóng tàu, nuôi trồng và khai thác thuỷ, hải sản.

Huyện có kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ, đường bộ tương đối hoàn chỉnh, có đường QL.37B, ĐT.488, ĐT.489, ĐT.489B; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Giao Thuỷ (đầu tư làm mới) có chiều dài hơn 19km, tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – kết nối với đường bộ ven biển (ĐT.484) của huyện Giao Thuỷ; có hệ thống sông Hồng, sông Sò chảy qua và có 31,161 km bờ biển thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hoá, đi lại cho người dân; việc giao lưu, liên kết kinh tế - xã hội với các huyện trong và ngoài tỉnh 4 được nâng cao; trong quy hoạch tỉnh Nam Định, huyện Giao Thuỷ được xác định là 1 trong 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và là trung tâm cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh.

Hệ thống đường giao thông nông thôn Xanh - Sạch - Đẹp

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự tham gia tích cực của Nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp; chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới cùng với truyền thống văn hóa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của Nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong những năm qua đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2017, huyện đạt chuẩn nông thôn mới là cơ sở và tiền đề để huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Về khó khăn: Giao Thủy là huyện ven biển có địa hình thấp, cùng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu (thuỷ triều dâng, xâm thực mặn, gió bão, ngập lụt…) gây tác động xấu đến phát triển kinh tế và xã hội, đặc biệt là phát triển ngành nông nghiệp của huyện. Là huyện thuần nông, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới còn thấp (năm 2010 các xã, thị trấn mới chỉ đạt được từ 7 đến 8 tiêu chí NTM), chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ trọng ngành nông nghiệp còn cao, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Thu nhập từ cấy lúa thấp, làm cho một bộ phận người dân không thực sự gắn bó với đồng ruộng; việc tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Thời kỳ đầu triển khai thực hiện Chương trình, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề chậm phát triển; còn nhiều lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khó khăn.

Kết quả triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 – 2024 cho thấy, hàng năm UBND huyện tổ chức các hội nghị triển khai Chương trình OCOP gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, khuyến khích, động viên các cơ sở trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP; thành lập Hội đồng để tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và trình Hội đồng tỉnh đánh giá, phân hạng các sản phẩm từ 3 sao cấp huyện trở lên.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 121 sản phẩm OCOP, (10 sản phẩm 4 sao và 111 sản phẩm 3 sao) của 43 cơ sở (1 Doanh nghiệp, 7 Công ty, 8 HTX và 27 hộ sản xuất kinh doanh), cụ thể: Năm 2023, 7/22 xã, thị trấn có sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, với 23 sản phẩm của 08 cơ sở sản xuất được UBND huyện công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trong Năm 2024, 16/20 xã, thị trấn có sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, với 16 sản phẩm của 08 cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (15 sản phẩm 3 sao; 1 sản phẩm 4 sao).

Một số tồn tại, hạn chế là số lượng sản phẩm OCOP không đồng đều giữa các địa phương; số lượng sản phẩm OCOP từ những ý tưởng mới còn hạn chế; phương án kinh doanh của nhiều chủ thể chưa đổi mới nhiều. Việc cải tiến, nâng cấp sản phẩm OCOP ở một số cơ sở sản xuất chưa rõ rệt và chưa có nhiều sự khác biệt. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và kênh bán hàng các sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng chưa đa dạng. Đến hết năm 2024 có 14 sản phẩm OCOP đã hết hạn công nhận sản phẩm OCOP nhưng chưa đề nghị công nhận lại sản phẩm OCOP.

Một số mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đến nay, huyện Giao Thủy có 15/18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (bằng 83,3%) theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Năm 2024 xã Giao Nhân đăng ký xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã Giao Châu đăng ký xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, đến nay đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định. Hiện các xã đang tập trung hoàn thiện hồ sơ, thực địa, dự kiến trình UBND tỉnh thẩm định trong tháng 01/2025. Như vậy, tính đến hết năm 2024, toàn huyện có 17/18 xã (bằng 94,4%) đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Đến nay huyện đã có 13/18 xã (bằng 72,2%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 6/18 xã (bằng 33,3%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 nổi trội về Giáo dục (Gồm các xã: Giao Lạc, Giao Phong, Giao Tân, Giao Thịnh, Bạch Long, Giao Thiện); Có 4/18 xã (bằng 22,2%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 nổi trội về Chuyển đổi số (Gồm các xã: Giao Thanh, Giao Hương, Giao Xuân, Bình Hoà); Có 2/18 xã (bằng 11,1%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 nổi trội về Văn hoá (Gồm các xã: Giao Hải, Giao Hà). Có 1/18 xã (bằng 5,5%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 nổi trội về Sản xuất (xã Giao An).

Năm 2024, có 03 xã (Giao Long, Giao Yến, Giao Châu) đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, hiện đang tập trung hoàn thiện hồ sơ, thực địa, dự kiến trình UBND tỉnh thẩm định trong tháng 1/2025. Như vậy tính đến hết năm 2024, có 16/18 xã (bằng 88,8%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, trong đó có 8/18 xã (bằng 44,4%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về Giáo dục.

Trong thời gian tới huyện Giao Thủy tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện thực sự được đổi mới, khang trang, sạch, đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Hành trình xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng. Mục tiêu xây dựng nông thôn Giao Thủy mới đến năm 2025, toàn huyện có 100% số xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực giáo dục. Trong thời gian tới, lãnh đạo địa phương và người dân sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng Giao Thủy trở thành một miền quê đáng sống với tiêu chí hạnh phúc được đặt lên hàng đầu, không ngừng nâng cao đời sống người dân cả vật chất và tinh thần.

Chặng đường xây dựng NTM luôn là hành trình dài, không có điểm dừng. Để nông thôn mới Giao Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh, thực sự là miền quê đáng sống; tới đây, huyện tiếp tục giữ vững chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, đồng thời không ngừng nâng cao toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp với phát triển dịch vụ, du lịch theo quy hoạch; chú trọng phát triển công nghiệp - dịch vụ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại; tập trung chuyển đổi số, xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa truyền thống nhưng hiện đại, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái trong lành; hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Giao Thuỷ - Nơi bình minh đến trước, đã và đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành vùng quê biển hiện đại, văn minh và đáng sống./.

Hữu Hảo - Phạm Mạnh