Đắk Lắk Trải qua 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển " giàu đẹp, văn minh, bản sắc"

19/11/2024 4:35:58 CH
Share Bai :

MT&XH - Đắk Lắk là cao nguyên rộng lớn nhất nằm ở trung tâm Tây Nguyên, trải qua 120 năm hình thành và phát triển nơi đây đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt,từ một vùng đất hoang sơ, trải qua nhiều thăng trầm đến nay trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội,an ninh - quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và cả nước .

Lịch sử hào hùng

Đắk Lắk dịch theo tiếng Pháp là Darlac, vào ngày 22/11/1904, trước phong trào đấu tranh bền bỉ, quyết liệt của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và sức ép của triều đình nhà Nguyễn, Toàn quyền Đông Dương buộc phải ban hành Nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk.

Trong kháng chiến chống pháp Đắk Lắk đóng vai trò chiến lược với vị trí là trung tâm Tây Nguyên. Chính thức trở thành một trong 20 tỉnh Trung kỳ có diện tích là 13.125,37 km2, đường biên giới dài 71,972 km và là một trong 73 tỉnh, thành phố Việt Nam thời Pháp thuộc. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác nhận chủ quyền lãnh thổ quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, cột mốc lịch sử đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Trải qua nhiều dấu mốc thành lập, chia tách cho đến nay tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện. Trong đó có 184 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 151 xã, 20 phường và 13 thị trấn.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đắk lắk là căn cứ địa quan trọng của cách mạng, nổi bật với chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Đến nay, sau 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển, nhất là sau 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất, dành được nhiều thành tựu nổi bật, có ý nghĩa rất quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, tạo ra thế và lực vững chắc trên chặng đường phát triển.

Phát triển toàn diện, bền vững từ những thế mạnh sẵn có

Đắk Lắk có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng như: Hồ Lắk là hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên; nhiều thác nước đẹp, hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng như: thác Dray Nur; thác Dray Sáp; thác Krông Kmar; thác Thủy Tiên; thác Dray H’Linh...; Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn với cầu treo mộc mạc nhưng hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế; Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà Đày Buôn Ma Thuột, nơi chứng tích về tội ác của đế quốc, thực dân, thể hiện khí phách kiên cường của các chiến sĩ cộng sản; Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đình Lạc Giao, nơi thành lập Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột... những danh lam trên có một tiềm năng rất lớn để phát triển về du lịch.

Với vị thế thuận lợi nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đó cũng là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, sản xuất điện gió, điện mặt trời; có hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống là nền tảng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, văn hoá.

Đắk Lắk có nền văn hóa lâu đời và đặc sắc, văn học dân gian phát triển sớm với nhiều thể loại như: Truyện thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn, tiêu biểu sâu sắc cho cách nhìn, cách hiểu, những cảm xúc, tâm tư hoài bão của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và những bản sử thi như Trường ca Đam San, Xing Nhã, Đam Kteh của dân tộc thiểu số Tây nguyên nói riêng...không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Đắk Lắk - Tây Nguyên, mà còn là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung là di sản hóa quý báu đã được Tổ chức Văn hóa - Khoa học – Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại (25/11/2005).

Bên cạnh đó, nơi đây còn được biết đến là thủ phủ cà phê của vùng Tây Nguyên và cả nước; thành phố Buôn Ma Thuột được biết đến với thương hiệu "thành phố cà phê của thế giới".

Từ những lợi thế sẵn có, phương châm phát triển cũng như sứ mệnh của mình chính là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh cùng với đó, Đắk lắk đã trở thành trung tâm, cực tăng trưởng của khu vực và là bệ đỡ cho cả vùng Tây Nguyên.

Kinh tế phát triển, gặt hái nhiều thắng lợi 

Trải qua 120 năm đến nay, Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với quy mô dân số khoảng 2 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh (riêng đồng bào DTTS tại chỗ Êđê, M’Nông, Gia Rai chiếm hơn 20%) và các DTTS từ các tỉnh khác di cư đến (Mông, Dao, Thái, Nùng, Tày...); tỷ lệ đồng bào DTTS theo tôn giáo chiếm 40,5%, phân bố rải rác tại 184 xã, phường, thị trấn và 2.199 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó có 556 buôn) thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố. Kinh tế của tỉnh từng bước phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,75%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,07%/năm).

Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2024 tăng 1,73 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 68,8 triệu đồng/người, gấp 2,06 lần năm 2015. Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng (Nông nghiệp giảm từ 42,6% năm 2015 xuống còn 37,06% vào năm 2024; Công nghiệp - xây dựng tăng từ 12,3% năm 2015 lên 17,36% vào năm 2024; Dịch vụ tăng từ 40,8% năm 2015 lên 41,55% vào năm 2024).

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 7.846,5 tỷ đồng, tăng 6,34%, bằng 20,33% KH năm 2024 (KH: 38.600 tỷ đồng). Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 495 triệu USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 30,94% KH năm 2024 (KH: 1.600 triệu USD). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 26.861,7 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 26,92% KH năm 2024 (KH: 99.800 tỷ đồng).

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.162 tỷ đồng, giảm 9,5% với cùng kỳ năm 2023, bằng 30,9% dự toán Trung ương và bằng 25,4% dự toán HĐND tỉnh giao (KH năm 2024: HĐND tỉnh giao 8.500 tỷ đồng; dự toán TW giao 7.000 tỷ đồng)

Chất lượng nền kinh tế được nâng lên, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển đa dạng, xuất hiện một số sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và giá trị gia tăng cao như điện thương phẩm, nông sản tinh chế, sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2024 ước đạt 309.850 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế giai đoạn 2015-2024 bình quân tăng 11%/năm. Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt kết quả khá, tăng đều qua các năm: Năm 2024 ước đạt 8.500 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với năm 2015; giai đoạn 2015 - 2024 bình quân tăng 10,2%/năm.

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng tập trung chuyên canh, quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2015 – 2024 tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân tăng 5,11%/ năm. Đến năm 2024, diện tích cây cà phê khoảng 205.896 ha, sản lượng ước đạt 564.093 tấn, tăng khoảng 115.000 tấn so với năm 2015.

Cùng với đó Tỉnh đã thu hút được một số dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn, đến nay toàn tỉnh có 02 dự án điện gió công suất 428,8 MW, 10 dự án điện mặt trời nối lưới với công suất 1.024 MWp và hơn 5.379 công trình điện mặt trời mái nhà đã phát điện thương mại với tổng công suất 650,17 MWp. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực; môi trường chính trị và xã hội được duy trì ổn định; các chính sách xã hội được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững.

Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hoà sẽ góp phần quan trọng đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội​ và mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Đặc biệt, nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai, hứa hẹn khi hoàn thành sẽ góp phần nâng tầm vị thế, thúc đẩy sự phát triển. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không khá thuận lợi với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có công suất phục vụ khoảng 02 triệu hành khách/năm và hệ thống các đường quốc lộ 14, 26, 27, 29 kết nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả nước; hệ thống giao thông đến các huyện, xã ngày càng được cải tạo, nâng cấp, với 100% xã đã có đường nhựa đến trung tâm. Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được tích cực triển khai, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng (trong năm 2026) sẽ góp phần quan trọng đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên...

Chất lượng giáo dục, y tế và đời sống văn hóa, tinh thần người dân được nâng lên; công tác an sinh xã hội; chính sách hỗ trợ người có công; công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển; có 398.498/463.893 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 86%); 1.869/2.199 thôn, buôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa (đạt 85%); 1.385/1.477 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 92%); các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; các hủ tục lạc hậu gây ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần xóa bỏ.

Hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng Đắk Lắk “văn minh, giàu đẹp, bản sắc”

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đặt ra yêu cầu, quyết tâm đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị trực thuộc, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đến năm 2045: “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”, thật sự xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, bảo đảm đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân đạt mức khá của cả nước.

Dự án Eco City Premia nằm trêntrục đường Nguyễn Chí Thanh – trung tâm kinh doanh phát triển sẽ góp phần đưa TP Buôn Ma Thuột ngàycàng trở lên giàu đẹp, bản sắc, văn minh xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên - ảnh nguồn internet.

Điều này được thể hiện qua khi tỉnh tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá đã nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến các loại sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Đắk Lắk;... Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội; quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng chính quyền số;...

Cùng với đó, tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển.

Từ một vùng đất hoang sơ Đắk Lắk thành một trung tâm kinh tế và văn hóa của Tây Nguyên, từ những bản làng truyền thống đến những thành phố hiện đại, Đắk Lắk vẫn giữ vững nét đẹp văn hóa và bản sắc dân tộc, đồng thời khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam. Sự phát triển của Đắk Lắk không chỉ là thành tựu của người dân nơi đây mà còn là biểu tượng cho sức sống và tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Đắk Lắk cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần tiếp tục đoàn kết, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế của mình; tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; quán triệt sâu sắc, toàn diện, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc quan điểm.

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị được củng cố, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, đạt nhiều kết quả tích cực góp phần ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Trên chặng đường sắp tới, bên cạnh những khó khăn cũng như những thành tựu đạt được, tin rằng với truyền thống lịch sự và tinh thần dân tộc, Đảng bộ cùng quân và dân tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

V. Hà - Đại Hải

  • Tags: