Đắk Lắk: Khó khăn và tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp.

26/10/2023 12:50:03 CH
Share Bai :

Quá trình đổi mới của tỉnh đã tạo ra sự vận động tích cực của các hộ gia đình nông thôn, phát triển đa dạng, đa quy mô về hình thức sản xuất, kinh doanh. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ cần: tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh với định hướng theo hướng “phát triển nông nghiệp bền vững” trong thời gian qua đã và đang được quan tâm, chỉ đạo sát sao và đạt rất nhiều thành tích cao, đó là sự đồng lòng của tỉnh Đắk Lắk. Trước những kết quả đạt được Phóng viên (PV) có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Hoài Dương về những khó khăn, mục tiêu và thành tựu mà ngành đã đề ra.

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Hoài Dương

PV: Xin ông cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cần tập trung những gì và phương châm mỗi địa phương một sản phẩm như thế nào?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 14/10/2016; Kết luận số 467-KL/TU ngày 22/12/2021 của Tỉnh uỷ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến 2030; Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Đắk Lắk theo Quyết định số 255/QĐ-TTg, ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ; theo đó, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh đã chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khỉ hậu; dần hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến; đã hình thành được một số khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có vốn đầu tư lớn, kết quả cụ thể:

 Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Diện tích cây hàng năm giảm 2,8% từ 332 nghìn ha xuống 323 nghìn ha, trong đó: diện tích trồng lúa tăng 7,6% từ 105 nghìn ha lên 113 nghìn ha; diện tích trồng ngô giảm 15% từ 94 nghìn ha xuống 80 nghìn ha; diện tích trồng rau, đậu giảm 14% từ 43 nghìn ha xuống 37 nghìn ha.

Diện tích cây lâu năm tăng 10% từ 324 nghìn ha lên hơn 357 nghìn ha, trong đó: diện tích cây công nghiệp giữ ổn định hơn 304 nghìn ha, diện tích cây ăn trái tăng 160% từ 20 nghìn ha lên 52 nghìn ha. Đặc biệt diện tích sầu riêng tăng nhanh trong những năm qua, bình quân diện tích và sản lượng tăng 30%/năm, đến nay trên 22 nghìn ha (diện tích cho thu hoạch khoảng 10 nghìn ha).

Ngoài chuyển đổi về diện tích đã có đột phá chuyển đổi về giống cây trồng như: Sản xuất lúa sử dụng giống năng suất, chất lượng cao chiếm khoảng 40%, có địa phương đạt 70-80%; cà phê tái canh, diện tích sử dụng giống mới, chất lượng đạt 80%, đã góp phần cải thiện năng suất cà phê lên 25-27 tạ/ha. Giá trị sản phẩm trồng trọt trên một ha năm 2022 đạt 132 triệu đồng/ha, tăng khoảng 30% (32 triệu đồng/ha) so với năm 2018, do ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu theo chiều sâu.

Về thực hiện chuyển đổi vật nuôi

Hiện nay quy mô đàn gia súc, gia cầm ước khoảng gần 15 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm khoảng trên 240 ngàn tấn, sản lượng trứng gia cầm trên 360 triệu quả, tỉnh Đắk Lắk đã vươn lên đứng trong 10 tỉnh có quy mô đàn vật nuôi truyền thống (lợn, gia cầm, bò) lớn nhất trong cả nước. Kết quả chuyển đổi thể hiện rõ nét thời gian qua, đó là:

Về phương thức chăn nuôi đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi trang trại, quy mô lớn áp dụng công nghệ hiện đại, an toàn dịch bệnh tăng từ 21% tổng đàn năm 2018 tăng lên 33% năm 2022, điển hình như: Dự án đầu tư nhà máy ấp nở trứng gia cầm của công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (xã Pơng Drang, Krông Búk) với công suất 2.200.000 con giống 01 ngày tuổi/tháng, Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk (xã Ea M’Droh, Cư M’gar) với quy mô 1.300 lợn nái phẩm cấp cụ kỵ, ông bà,…

Việc sử dụng các giống ngoại, giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng tăng nhanh, từ 65% năm 2018 lên trên 80% năm 2022 (các giống vật nuôi địa phương hiện chủ yếu được sử dụng trong chăn nuôi nông hộ, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn), đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng ngành chăn nuôi.

Phương châm mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP).

Phát triển sản phẩm OCOP dựa trên tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định; kiểu dáng bao bì thuận tiện, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hoá, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

            PV: Thưa ông, Trong bối cảnh như hiện nay, địa phương có kế hoạch gì để triển khai hiệu quả việc cấp, quản lý mã số vùng trồng nội địa?

            Ông Nguyễn Hoài Dương: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp triển khai, hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Cung cấp thông tin về quy định của nước nhập khẩu cho các địa phương, tổ chức, cá nhân biết để chủ động thực hiện; phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật giải quyết các trường hợp không tuân thủ theo thông báo của nước nhập khẩu; giám sát đột xuất vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số…

Đến nay, toàn tỉnh đã có 148 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao (gồm: 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao và 128 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm đạt 4 sao có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hoá các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế.

Các sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu, nguồn lao động tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.

Thông qua chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Ở các địa phương đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Nhiều HTX đã tham gia các trang thương mại điện tử để xúc tiến thương mại; sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất. tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo dấn ấn phất triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Việc tiêu chuẩn hoá sản phẩm, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm đã hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là một trong giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, mặc dù sản phẩm OCOP trong những năm qua được tỉnh công nhận nhiều (148 sản phẩm), bình quân mỗi năm tỉnh công nhận được 36 sản phẩm/năm, tuy nhiên so với cả nước và cả khu vực Tây Nguyên thì còn quá khiêm tốn (chỉ chiếm 1,45% số sản phẩm OCOP cả nước và chiếm 16,07% so với khu vực Tây Nguyên); chưa từng xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh;

Trong thời gian tới để chương trình OCOP đạt hiệu quả hơn nữa, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi tư duy và nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP; Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế và theo yêu cầu của thị trường; Triển khai hiệu quả xây dựng các mô hình thí điểm; Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; Nâng cao chất lượng đánh giá, phân hạng và tăng cường kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP, góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý và đánh giá về Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) còn gặp khó khăn gì?  Thưa ông.         

Ông Nguyễn Hoài Dương: HTX nông nghiệp thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, phát triển khá mạnh mẽ, các mục tiêu về phát triển HTX trong những năm gần đây đều đạt và vượt KH đề ra. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 518 HTX, tăng 81 HTX so với cùng kỳ năm 2022. Chất lượng hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, đặc biệt hiện nay đã có 150 HTX thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra cho các thành viên bằng các hợp đồng liên kết ổn định, 79 HTX triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất… các HTX nông nghiệp là nhân tố quan trọng, là hạt nhân kết nối xây dựng các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

 Có được kết quả trên là do tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, cụ thể:

Về chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu: Nổi bật là hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn các huyện (Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng) với kinh phí hỗ trợ gần 37 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ chi trả lương cho lao động trẻ về làm việc tại các HTX trong nông nghiệp: Đã thực hiện hỗ trợ kinh phí trả lương cho 12 lao động trẻ về làm việc cho 12 HTX để hỗ trợ về kỹ thuật, kinh doanh và kế toán.

Về chính sách hộ trợ liên kết tiêu thụ thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính Phủ: Trên địa bàn tỉnh có 114 chuỗi liên kết có sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX và nông dân. Việc liên kết đang từng bước tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Về chính sách hỗ trợ HTX xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP: Việc cấp chứng nhận sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp các HTXNN ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho thành viên hợp tác xã.

Về chính sách hỗ trợ mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ: Để triển khai thực hiện Đề án 167 của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025, đã xây dựng 05 HTX tiên tiến kiểu mới theo mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản với tổng kinh phí hỗ trợ là 19 tỷ đổng.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong công tác triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã nông nghiệp còn gặp các khó khăn và hạn chế.

Về cơ chế, chính sách: Luật HTX năm 2012 ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện (Quốc Hội đã thông qua Luật HTX năm 2023 và có hiệu lực từ ngành 1/7/2024).

Các văn bản dưới Luật trong đó có Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, bất cập, hiệu quả chưa cao.

Việc tiếp cận các chính sách của nhà nước, đặc biệt là chính sách giao đất, cho thuê đất còn rất hạn chế, hầu như các địa phương chưa ưu tiên bố trí nguồn quỹ đất dành cho HTX-NN. Chính sách tín dụng, thuế đối với HTX cũng còn khó khăn, rất ít HTX-NN tiếp cận chính sách này. Nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn nhiều hạn chế.

Về khó khăn nội tại của hợp tác xã: Các HTX-NN còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, thường xuyên biến động, thị trường tiêu thụ không ổn định. Nhiều HTX sản xuất nhỏ lẻ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường, thiếu nhân lực quản trị và lao dộng đã qua đào tạo; thiếu vốn sản xuất.

Quá trình chuyển đối số khu vực KTTT, HTX diễn ra chậm, hầu hết các HTX chưa có kế hoạch, định hướng về chuyển đổi số do cơ sở hạ tầng thông tin của HTX ở mức thấp, có nhiều HTX còn chưa có trụ sở làm việc.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX-NN, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như.

Tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt một cách sâu, rộng để mọi chủ thể liên quan hiểu rõ bản chất HTX kiểu mới, vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HTX kiểu mới phát triển.

Thường xuyên kiện toàn bộ máy và hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển HTX cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trựo phát triển HTX như: Hỗ trợ kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu tập trung, cây trồng chủ lực; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương; chính sách về tín dụng; chính sách đưa lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX; phát triển sản phẩm OCOP; triển khai chứng nhận mã vùng trồng, chứng nhận sản xuất theo quy trình,…

Thực hiện lồng ghép, kết hợp nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình có mục tiêu,… nhằm thu hút các nguồn lực để hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

PV: Giải pháp của ngành để phát triển kinh tế, góp phần đưa nông nghiệp Đắk Lắk phát triển ổn định, giữ vững các tiêu chí Nông thôn mới bền vững?

Ông Nguyễn Hoài Dương: Để giữ vững đạt các tiêu chí Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao tại các địa phương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp đồng bộ và toàn diện, cụ thể là:

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục, phải xác định xây dựng nông thôn mới “ có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về các nội dụng mới, yêu cầu mới của Chương trình; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “ Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao gia trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng tiến độ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản. Quản lý và sử dụng có hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ; tiếp tục xây dựng và phát triển thêm một số thương hiệu nông sản hàng hóa mới có lợi thế.

Đổi mới mạnh mẽ và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất: Xây dựng và có các biện pháp nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ chức tác hoạt động có hiệu quả ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; nâng cao hiệu quả các đề tài, dự án khoa học; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông, khuyến ngư trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến rõ nét trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, kinh tế tổ hợp tác phát triển. Tăng cường xúc tiến thương mại để nâng cao gia trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn, thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhóm PV.

  • Tags: