Đắk Lắk: Biểu tượng sự vươn lên, phát triển mạnh mẽ của khu vực Tây Nguyên
Đắk Lắk là cao nguyên rộng lớn nhất nằm ở trung tâm Tây Nguyên, trải qua 120 năm hình thành và phát triển nơi đây đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và từng bước đóng vai trò quan trọng trên nhiều lĩnh vực trong khu vực vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Bề dày lịch sử đầy hào hùng
Đắk Lắk hay ghi theo tiếng Pháp là Darlac, vào ngày 22/11/1904, trước phong trào đấu tranh bền bỉ, quyết liệt của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và sức ép của triều đình nhà Nguyễn, Toàn quyền Đông Dương buộc phải ban hành Nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk.
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên (Nguồn ảnh Internet)
Đắk Lắk chính thức trở thành một trong 20 tỉnh Trung kỳ và là một trong 73 tỉnh, thành phố Việt Nam thời Pháp thuộc. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác nhận chủ quyền lãnh thổ quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, cột mốc lịch sử đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk.
Trải qua nhiều dấu mốc thành lập, chia tách cho đến nay tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện. Trong đó có 184 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 151 xã, 20 phường và 13 thị trấn.
Phát triển toàn diện, bền vững mọi mặt từ những thế mạnh sẵn có
Với vị thế thuận lợi nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đó là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, sản xuất điện gió, điện mặt trời; có hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng cùng nhiều dân tộc cùng sinh sống là nền tảng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, văn hoá; có “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại;...
Bên cạnh đó, nơi đây còn được biết đến là thủ phủ cà phê của vùng Tây Nguyên và cả nước; thành phố Buôn Ma Thuột được biết đến với thương hiệu "thành phố cà phê của thế giới".
Từ những lợi thế sẵn có, phương châm phát triển cũng như sứ mệnh của tỉnh Đắk Lắk chính là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh cùng với đó, phải là trung tâm, cực tăng trưởng của khu vực và là bệ đỡ cho cả vùng Tây Nguyên.
Gặt hái nhiều thắng lợi quan trọng
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay, Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với quy mô dân số khoảng 2 triệu người, cùng 49 thành phần dân tộc anh em.
Kinh tế của tỉnh từng bước phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,75%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,07%/năm); giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Đồng thời, tỉnh đã thu hút được một số dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn của đất nước. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực; môi trường chính trị và xã hội được duy trì ổn định; các chính sách xã hội được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững.
Hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư, phát triển với nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai
Đặc biệt, nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai, hứa hẹn khi hoàn thành sẽ góp phần nâng tầm vị thế, thúc đẩy sự phát triển chung cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Cụ thể là: dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự án đường Hồ Chí Minh,...
Dần dần hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng Đắk Lắk “văn minh, giàu đẹp, bản sắc”
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đặt ra yêu cầu, quyết tâm đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị trực thuộc, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đến năm 2045: “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”, thật sự xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, bảo đảm đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân đạt mức khá của cả nước.
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đắk Lắk chủ động, tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, bản sắc, văn minh xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên (Nguồn ảnh Internet)
Điều này được thể hiện qua khi tỉnh tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá đã nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến các loại sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Đắk Lắk;... Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội; quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng chính quyền số;...
Cùng với đó, tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển.
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Đắk Lắk cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần tiếp tục đoàn kết, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; quán triệt sâu sắc, toàn diện, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc quan điểm.
Trên chặng đường sắp tới, bên cạnh những khó khăn cũng như những thành tựu đạt được, tin rằng với truyền thống lịch sự và tinh thần dân tộc, Đảng bộ cùng quân và dân tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(Tư liệu lịch sử, thông tin tổng hợp)
Mạnh Khang
Tin nóng
- Thị trường xuất khẩu gốm sứ đang phục hồi trong năm 2024
20/11/2024 9:39:02 CH
- Hà Nội: Hội đồng đánh giá, xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội năm 2024 tổ chức họp phiên chính thức.
20/11/2024 3:03:48 CH
- Đắk Lắk: Tổng kết phong trào thi đua đặc biệt
19/11/2024 3:52:13 CH
- Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024
16/11/2024 11:27:04 CH
- SeABank nâng cao năng lực Ban kiểm soát để tăng cường khả năng giám sát và phát triển bền vững cho Ngân hàng
15/11/2024 4:16:28 CH