Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Người thầy thuốc cống hiến hết mình cho nền y học cổ truyền dân tộc và thế giới

14/12/2024 7:39:58 CH
Share Bai :

Trong những ngày này của tháng 12/2024, thực hiện hướng dẫn số 174-HD/BTGTW ngày 29/11/2024 của Ban tuyên giáo trung ương, các địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở Hà Tĩnh và Hưng Yên đang sôi nổi chuẩn bị trọng đại lễ kỉ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác- ông tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam và thế giới; nhà văn hóa, văn học xuất sắc đã được UNESCO vinh danh. Suốt cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông đã cống hiến hết mình cho nền y học cổ truyền dân tộc và thế giới, tên tuổi và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông còn vang mãi đến muôn đời sau.


Tỉnh Hà Tĩnh họp báo chuẩn bị Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng  Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm 1724 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); quê mẹ ở huyện Hương Sơn- Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và chính Lê Hữu Trác đã có tính thiên bẩm thông minh từ thuở nhỏ. Nhận biết được con mình là người thông minh vốn có, vì vậy cha của ông là Lê Hữu Mưu- một trí thức đỗ đạt cao được nhà vua lúc bấy giờ rất trọng vọng. Cha ông đã đưa ông lên kinh thành bút nghiên đèn sách. Với trí tuệ thiên bẩm thông minh hơn người cùng với chí hướng chăm chỉ học hành, sau một thời gian đèn sách, Lê Hữu Trác đã thi đỗ liền tam trường. Trong quá trình học tập, ông đã bộc lộ trí thức giàu tâm hồn văn học và yêu nước thương dân. Năm 1739, người cha và cũng là người thầy kính yêu của ông mất, để lại nỗi đau thương vô hạn đối với ông.

Trong cuộc đời của Lê Hữu Trác có nhiều biến cố xảy ra. Năm 1740, giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân chia đã để lại cho nhân dân ta nhiều đau thương tàn khốc, khắp nơi nạn đói hoành hành, dân tình li tán. Với tấm lòng thương yêu nhân dân, nhất là những người, những gia đình đói khổ. Ông đã nhận thức được bản chất của xã hội lúc bấy giờ, vì vậy ông xin vào con đường quân ngũ những mong làm được việc gì đó có ích cho nước cho dân, nhưng rồi ông cảm nhận được con đường trong quân ngũ không hợp và không thể đưa hết khả năng để phục vụ nhân dân. Đến năm 1746, khi người anh ruột của ông mất tại quê mẹ ở Hương Sơn- Hà Tĩnh, với nỗi đau đó và cũng chính là lí do để ông xin rời quân ngũ, trở về chăm sóc mẹ già và lo toan việc gia đình… Những năm sau đó, ông bị ốm nặng. Mặc dù đã được người nhà hết lòng cứu chữa nhưng bệnh không thuyên giảm, ông đã được đưa đến một thầy thuốc giỏi có tên là Trần Độc ở Nam Đàn, Nghệ An để chữa trị. Với những kiến thức và tâm y của Trần Độc, bệnh hiểm nghèo của Lê Hữu Trác đã được chữa khỏi. Vốn thông minh học rộng, trong thời gian chữa bệnh ở đây, Lê Hữu Trác đã tận tụy học hỏi, quyết tâm trở thành một người thầy thuốc phục vụ nhân dân. Và người thầy của ông là Trần Độc đã nhận thấy ở Lê Hữu Trác là người có đầy đủ tâm đức, vì vậy ông đã truyền nghề. Từ những kiến thức Lê Hữu Trác đã học được, ông còn phát triển đi lên về mọi phương pháp của y thuật. Ông dày công nghiên cứu các bộ sách của các danh y Trung Hoa như “Phùng Thị Cẩm Nang” …, ông đã tìm ra mọi chân lý và y đức của một người thầy thuốc trong các bộ sách để áp dụng vào thực tiễn của việc chữa bệnh cứu người.

Ở tuổi 30, Lê Hữu Trác đã trở thành một danh y nổi tiếng, giỏi về chữa bệnh và giàu lòng nhân ái. Tuy được triều đình lúc bấy giờ mời ông ở lại chốn phồn hoa chữa bệnh nhưng ông đã khéo khước từ nơi “màn loan trướng huệ”, nơi có “hoa thơm cỏ lạ” để trở về quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh, quyết chí học thêm và đưa hết nhiệt huyết của mình chữa bệnh cho nhân dân. Và từ đấy, ông lấy tên là Hải Thượng Lãn Ông. Thời gian này ở vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh là vùng rừng núi, giao thông đi lại không thuận lợi, rất bất tiện cho việc học tập của ông. Trong tâm thức của ông: Kiến thức y học không thể dừng lại ở đó nên ông đã trở lại chốn kinh thành để học thêm và chữa bệnh.

Sau bao nhiêu năm đèn sách, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã có một vốn kiến thức đồ sộ. Với ông trong nghề chữa bệnh đó là: Y đức, y lí, y thuật. Ông đã phát hiện ra 305 vị thuốc bắc và 2854 vị thuốc Nam của các danh sư tiền bối. rồi  ông lại trở về quê mẹ bằng tấm lòng nhân ái của mình, tiếp tục chữa bệnh cứu người. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người uyên bác về tri thức y học và là người học rộng về văn chương, sử sách. Vì vậy, ông hiểu thấu mọi nỗi niềm đau khổ của nhân dân, nhất là tầng lớp nhân dân lao động nghèo đói. Vì thế, ông không màng đến danh lợi, tiền bạc, vật chất khi chữa bệnh. Ở ông chỉ mang tấm lòng y đức của mình để phục vụ nhân dân, cho dù bệnh bình thường hay bệnh hiểm nghèo, ông đều quyết tâm chữa trị. Với tấm lòng nhân hậu yêu thương con người và kiến thức y thuật, ông đã cứu sống biết bao bệnh nhân trên cả nước. Tên tuổi của Hải Thượng Lãn Ông đã được nhân dân truyền tụng khắp nơi, vang mãi đến chốn kinh thành. Công lao to lớn của ông là truyền thụ kiến thức y học cho các thế hệ, đào tạo các thầy thuốc giỏi để nối nghiệp ông về y thuật cũng như đạo đức của người thầy thuốc. Ông luôn căn dặn học trò của mình: làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người phải thực hiện bằng được lòng nhân ái, sáng suốt, đức độ, tốt bụng, chân thành, khiêm tốn, cần cù, Năm 62 tuổi, Hải Thượng Lãn Ông lại được chúa Trịnh mời trở lại chốn kinh thành để chữa bệnh, nhưng ông vốn là người thầy thuốc của nhân dân, ông không quen và không hợp với cuộc sống nơi kinh kì chen lấn… Một thời gian sau, ông tìm cách cáo lui, trở lại quê nhà, tiếp tục sự nghiệp dạy nghề bốc thuốc, chữa bệnh. Ông đã thực hiện trọn vẹn lí tưởng cao đẹp là được phục vụ nhân dân, được truyền thụ những kiến thức y học uyên bác cho các thế hệ đời sau. Ông mất năm 1791, thọ 71 tuổi.

Hải Thượng Lãn Ông mất đi nhưng đã để lại cho hậu thế các di sản quý giá đó là: Một đại danh y suốt đời lấy y đức phục vụ nhân dân. Ngoài ra, ông còn để lại những tác phẩm truyền lại cho đời sau như: “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”- bộ sách đã được ông nghiên cứu, tập trung những kiến thức quý giá từ các danh y nổi tiếng ở Trung Hoa trước đây và phải mất thời gian 10 năm mới hoàn thành, bộ sách được coi là “bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại. Bộ sách đó cho đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị. Ngoài ra còn có các bộ sách như: “Y Hải Cầu Nguyên”, “Thượng Kinh Kí Sự”. Toàn bộ những tác phẩm của ông để lại cho đời sau là những di sản vô giá, đặt nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam và thế giới.

Hải Thượng Lãn Ông không những là người thầy thuốc vĩ đại mà ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa, là một trí thức giàu cảm xúc văn chương. Những tác phẩm thơ của ông đã nói lên tâm hồn rất đẹp của một trí thức phải sống giữa thời buổi nhiễu nhương và ông đã thể hiện tình người sâu đậm trong những bài thơ viết khi ông về thăm quê: “Êm đềm một dải nước mây/ Quan hà man mát khôn khuây nỗi lòng/ Chiếc buồm thuận gió thẳng dong/ Giọt sương gieo nặng cánh hồng thướt tha/ Rừng sâu tiếng khách thoảng qua/ Bến xa văng vẳng khúc ca bạn chài.” Hoặc viết khi ông chữa bệnh: “Vất vả dám đâu mong báo đáp/ Cứu người là trọng dạ như in.” (Trong tập “Bệnh trung liêu bệnh.”) Đó là tấm lòng vị tha cao cả của ông. Khi ông phải xa quê ra kinh thành chữa bệnh cho chúa, ông luôn mong được sớm về quê: “Kìa ai khôn giả làm ngây/ Hư danh quấy mãi thân này làm chi.” Hay trong bài “Thuật hứng” ông viết: “Ước đời hết kẻ ốm đau/ Để ta thơ túi rượu bầu thảnh thơi.” Qua những câu thơ ông viết ở trên, ta nhận biết được Hải Thượng Lãn Ông là người có tình yêu thiên nhiên, có tình thương vô hạn đối với con người và hơn nữa là giàu tố chất văn chương. trong tập “Thượng Kinh Kí Sự” và những bài thơ của Hải Thượng Lãn Ông để lại mà chúng ta có được đã đủ xếp ông vào số các nhà thơ, nhà văn mà tên tuổi sống mãi trong đời sống văn học dân tộc.

Trong những ngày này của tháng 12/2024, các địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở Hà Tĩnh và Hưng Yên đang sôi nổi chỉnh trang các hạ mục lăng mộ, khu lưu niệm và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Chuẩn bị t chu đáo cho đại lễ kỉ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. ông tổ của nền y học Việt Nam và thế giới; nhà văn hóa, văn học xuất sắc đã được UNESCO vinh danh. Suốt cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông đã cống hiến hết mình cho nền y học cổ truyền dân tộc và thế giới, tên tuổi và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông còn vang mãi đến muôn đời sau./.

Bài: Dương Chí Sỹ
Ảnh:Dương Xuân Lộc

  • Tags: