Công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan
Ngày 21/12, tại Di tích Quốc gia Hải Vân Quan, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND Thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức lễ Công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.
Dự buổi lễ về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên Tỉnh uỷ Hoàng Khánh Hùng; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương của Thành phố Đà Nẵng.
Hải Vân Quan từ lâu đã được ca ngợi là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ cùng vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự.
Nằm ở độ cao 490m trên dãy núi Hải Vân, Hải Vân Quan là một công trình kiến trúc thành lũy quân sự ấn tượng, được xem là một trong những cửa ải hùng tráng bậc nhất Việt Nam. Vị trí của di tích cách trung tâm thành phố Huế khoảng 90km về phía Bắc và cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 28km về phía Nam.
Hải Vân Quan mang nhiều giá trị về văn hóa lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển du lịch của hai địa phương nói riêng và miền Trung nói chung. Với vai trò như một cột mốc kết nối hai vùng du lịch Bắc và Nam Trung Bộ, di tích này mang trong mình giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo. Chính vì vậy, vào ngày 14/7/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Hải Vân Quan là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Di tích Hải Vân Quan được tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng phối hợp trùng tu từ cuối năm 2021, với tổng mức kinh phí hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của hai địa phương.
Công trình này là tài sản chung vô giá, là biểu tượng của quan hệ đoàn kết, hợp tác tốt đẹp giữa thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là nền tảng quan trọng để hai bên tiếp tục phối hợp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tương lai.
Đậu Bình
Tin nóng
- “Hiệu triệu” sắc mầu 54 dân tộc cùng trái tim sắc son với quê hương đất nước
20/12/2024 3:52:45 CH
- Sản phẩm công nghiệp chủ lực định hướng phát triển kinh tế
17/12/2024 5:04:56 CH
- 36 sản phẩm của 25 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024
17/12/2024 1:56:37 CH
- Mất cân bằng giá bất động sản vùng cận biên Tp.HCM
16/12/2024 6:53:24 CH
- Hải Phòng: Kết thúc hoạt động nhiều cơ quan nhằm tinh gọn bộ máy
16/12/2024 4:35:06 CH