“Chợ chim” Thạnh Hóa, Long An: Chợ nông sản… Bán động vật hoang dã

17/01/2023 4:06:26 CH
Share Bai :

Chợ “chim” (Chợ Nông sản – Trạm dừng chân huyện Thạnh Hóa, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, Long An) nằm trên tuyến Quốc lộ 62, nối từ TP HCM đi các huyện miền biên giới Long An và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, “chợ chim” là nơi buôn bán hàng ngàn con chim các loại và động vật hoang dã (sau đây gọi chung là ĐVHD) khác bị dư luận phản đối, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lên tiếng cần phải “xóa sổ”.

“Sống được” nhờ bán ĐVHD.

Đầu năm 2022, dư luận đặc biệt vui mừng khi chính quyền Long An tổ chức cuộc họp “Bàn về phương pháp quản lý, kiểm soát kinh doanh động vật hoang dã trên địa bàn huyện Thạnh Hóa” và chốt phương án “tiến tới đóng cửa”.

Tại cuộc họp có sự tham dự của Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Chi cục Kiểm lâm, công an tỉnh, UBND H.Thạnh Hóa, Cục QLTT… Ông Phùng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND H. Thanh Hóa cho rằng sẽ yêu cầu chủ đầu tư Chợ Nông sản – Trạm dừng chân không cho phép các chủ gian hàng bán động vật trong chợ, ngoại trừ chuột đồng và gia cầm thông thường. Đồng thời, phương án xóa bỏ “chợ chim” được đề xuất là mua lại toàn bộ chim, rắn nằm trong danh sách cấm và hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi nghề nếu có nhu cầu.

Thế nhưng gần một năm qua, “chợ chim” vẫn y nguyên, chưa có dấu hiệu bị xóa bỏ như lời khẳng định của chính quyền Long An.

Từ phản ánh của người dân về “chợ chim” gây ô nhiễm môi trường, có dấu hiệu không được kiểm dịch và không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu tháng 12/2022, nhóm PV Tạp chí Môi trường và Xã hội có mặt tại “chợ chim”. Một mùi hôi thối xộc vào mũi, nước thải lênh láng khắp vỉa hè, chảy từ trong các gian hàng ra đường. Các gian hàng đều giết mổ ngay tại chỗ nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Chợ Chim” Thạnh Hóa vẫn hoạt động dù hồi tháng 4/2022 Chính quyền Long An họp đưa ra phương án “xóa bỏ”

Theo quan sát, nơi đây vẫn tồn tại gần 30 gian hàng buôn bán ĐVHD như le le, cuốc, chằng nghịch, vạc, cúm núm, sen ốc (cò ốc là một loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam), rắn, đại bàng, chim ưng, chuột đồng, ếch, vẹt, chim cu… được nhốt trong hàng trăm chiếc lồng sắt. Các chủ hàng bán từ chim non nuôi cảnh đến chim lớn mua để làm thịt Giá tùy loại từ vài trăm nghìn đến  vài triệu, có loại lên đến chục triệu. Tùy độ quý hiếm. Chủ cửa hàng cho biết, đây là giá bán lẻ, nếu khách có nhu cầu mua số lượng lớn cho các quán nhậu giá sẽ được giảm hơn.

Ở ngoài cùng là các chậu, lồng nhốt rắn, ếch, chuột đồng, gà ri, le le, sâm cầm… Phía bên trong, là một hệ thống lồng sắt được phủ bạt thường sẽ được nhốt ĐVHD có giá trị hoặc mức độ “quí hiếm”, khó tìm kiếm hơn. Trong vai người mua, nhóm PV được biết đa phần tiểu thương ở đây thường cất nhốt các loài ĐVHD ở phía trong sạp hàng hoặc nơi bí mật trong rừng phía sau khu “chợ chim”. Khách có nhu cầu mua sẽ được thăm dò kỹ lưỡng mới cho khách vào khu vực bên trong để xem “hàng” và báo giá. Nhiều loại chim mệt, nằm liệt hoặc có dấu hiệu sắp chết vì bị nhốt trong lồng chờ bán.

Một số loài chim được tiểu thương giới thiệu có xuất xứ từ thiên nhiên và giá bán nếu khách có nhu cầu

Chúng tôi còn thấy hai con chim ưng con bị nhốt ngay cửa hàng. Tại một gia hàng, PV còn được giới thiệu mua một con đại bằng với giá hơn 4 triệu đồng, một chú chồn được giới thiệu nặng 3kg với gia 7,5 triệu đồng. Tiểu thương còn mạnh dạn viết “hóa đơn” cho khách như vịt trời rừng giá 300.000 đồng/con, gà nước 450.000 đồng/1kg.

Một tiểu thương biết đa phần chim hay động vật khác ở “chợ chim” được mua lại từ những người đi săn trong rừng hoặc họ nuôi nhốt chim ở nhà để bán lại kiếm lời. Người này nói không biết người bán đi săn hoặc tự nuôi được. “Nuôi thuần mấy con vật quen sống trong rừng thì đâu phải chuyện dễ. Chim non đem về đây hao hụt dữ lắm vì có khi chúng bị nhốt không quen hoặc vận chuyển bị sốc chết. Nhưng nói chung, buôn bán ở “chợ chim” này sống được”, tiểu thương này trả lời. Theo người này, một con két xanh non có giá 320.000 đồng, con nhồng hơn 1,2 triệu đồng nên dù hao hụt cũng kiếm được vài trăm ngàn tiền lời mỗi ngày.

Hàng ngàn ĐVHD được rao bán công khai hoặc bí mật tại “chợ chim”. (Ảnh Môi trường và Xã hội)

Giao hàng tận nơi, tận “Sài Gòn”.

Buổi tối, Chúng tôi tiếp tục quay trở lại “chợ chim”. Thấy khách quen, một tiểu thương mạnh dạn giới thiệu bán nhiều loài có mức “hiếm” cao hơn như cò đỏ, sen ốc (Theo tra cứu đây có thể là loài cò ốc là một loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam), sâm cầm, cò nhạn… Tiểu thương này giới thiệu là “đồ thiên nhiên”.

Qua tìm hiểu tôi được biết những loại chim này được đưa về từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Trà Vinh, chỉ cần một cuộc điện thoại từ đầu mối TPHCM, chủ hàng từ các tỉnh sẽ chuyển chim lên theo các xe đò hoặc “hành quân” bằng xe gắn máy. “Năm nay chim về ít lắm nên bẫy được cũng không phải là dễ. Nếu chú nhập với số lượng lớn trong ngày chị sẽ kêu đám em dưới đó đi gom ở nhiều mối… Muốn bao nhiêu cũng có”.

Một tiểu thương giới thiệu trong hình là sen ốc (Theo tra cứu đây có thể là loài cò ốc là một loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam). (Ảnh Môi trường và Xã hội)

“Nói chung khách muốn mấy con vật bị cấm bán thì chúng tôi cũng sẽ có cách giao hàng. Chỉ cần báo địa điểm và số lượng, chốt giá là giao đúng ngày, giờ, địa điểm cho khách. Đảm bảo uy tín”, một chủ quầy nói.

Quay trở lại lần thứ 3, các tiểu thương thấy khách quen nên gần như không đề phòng. Thấy các lồng phía trong không còn chim, khách hỏi thì được một tiểu thương nói “hết hàng rồi, chút nữa mới nhập. Nay nhậu món gì để em làm”. Khoảng 30 phút sau, hàng chục con vạc, chằng nghịch được giao tới.

Hai chú chim ưng con được nhốt để bán cho ai có nhu cầu nuôi làm cảnh. (Ảnh Môi trường và Xã hội)

Theo thông tin của người dân xung quanh trên tuyến QL62, gần “chợ chim” không có bất cứ trạm kiểm dịch động vật nào. Hàng chục ngàn ĐVHD trong “chợ chim”, nhiều loài di cư từ nơi khác đến, được săn bắt ở nhiều tỉnh thành có thể mang theo mầm bệnh truyền nhiễm cho động vật, thậm chí con người.

Tình trạng giết mổ ngay tại cửa hàng rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường đồng thời gây phản cảm và góp phần phá hoại thiên nhiên. Chúng tôi mong rằng chính quyền tỉnh Long An nên kiểm tra để hoạt động của Chợ đúng Pháp luật, đồng thời bảo tồn những loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đó cũng là nguyện vọng của người dân sống trên địa bàn.

HN- TP - HH - TP

  • Tags: