Câu chuyện về ông lão mù lòa có tấm lòng nhân hậu
MT&XH - “Tuy mắt tôi mù nhưng tay tôi không mù. Chỉ cần vẫn còn sức khỏe, tôi vẫn còn làm…”, đó là câu nói của ông Lê Đình Thịnh (75 tuổi), trú tại thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Đình Thịnh (75 tuổi, trú tại thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa – bộc bạch: “Mắt tôi mù nhưng tay tôi không mù. Chỉ cần vẫn còn sức khỏe, tôi vẫn còn làm”.
Về thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa hỏi thăm đường vào nhà ông Thịnh mù, ai cũng chỉ tay về một ngôi nhà nhỏ nép mình bên những rặng cây. Khi thấy chúng tôi đột ngột đến thăm, ông vô cùng phấn khởi. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà cũ, tay vội pha ấm trà nóng mời khách ông Thịnh chậm rãi kể lại câu chuyện của đời mình. Ký ức về tuổi thơ của ông bỗng hiện về như một cuốn phim quay chậm…
Ông Thịnh sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác trong làng, rồi biến cố ập đến khi vào năm 8 tuổi, căn bệnh đau mắt hột cùng với điều kiện chữa trị chưa đảm bảo đã khiến đôi mắt ông Thịnh mất đi ánh sáng.
Cũng từ đó, cậu bé Thịnh làm bạn với bóng đêm. Mắt không nhìn thấy, song Thịnh rất ham công việc. Có người em gái đi chăn trâu, lên rừng hái củi là xin đi theo để quen đường, quen lối. Chàng thanh niên dần cảm nhận được tất cả mọi thứ bằng đôi tai, đôi tay và cả đôi chân của mình. Đường lên núi, đường ra bản, tiếng động xung quanh... đều được Thịnh cảm nhận rõ. Lớn hơn nữa, cậu thanh niên biết chặt tre chặt nứa, học đan lát, đan rổ đan thúng để bán cho bà con, kiếm kế sinh nhai. Thấy Thịnh tu chí làm ăn, bố mẹ đã giúp anh hỏi vợ. Sau 15 năm chung sống, hai vợ chồng đã có với nhau bốn người con, hai trai hai gái. Nhưng từ khi vợ mất, ông lại như mất đi ánh sáng cuộc đời lần thứ hai.
Ông Thịnh, bồi hồi nhớ lại: “Lúc bà ấy mất, đứa lớn nhất mới 13 tuổi, đứa bé nhất mới được 3 tuổi. Thương con còn nhỏ, tôi ở vậy một mình nuôi các con ăn học. Cũng may nhờ anh chị em họ hàng, bà con lối xóm giúp đỡ nên tôi mới vượt qua được những lúc khó khăn, vất vả”.
Không giấu nổi niềm vui trên khuôn mặt, ông Thịnh chia sẻ cùng chúng tôi: “Sau bao năm cố gắng nuôi nấng các con trường thành, lập gia đình, có con có cháu. Đến nay, tôi đã có cháu cố nội được 1 tháng tuổi rồi”.
Gần 70 năm sống trong cảnh mù lòa, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Thịnh vẫn làm mọi việc bằng đôi tay khéo léo của mình. Từ nuôi gà nuôi lợn, trồng rau nuôi cá, đến những việc hàng ngày như nấu cơm dọn dẹp, đôi tay của ông dường như đã quen “nhìn thấy tất cả”. Chị Lương Thị Thiệu, con dâu cả của ông Thịnh cho biết: “Bố tôi tỉnh lắm, mắt ông tuy không nhìn thấy nhưng ông cảm nhận được tiếng gió, hơi ẩm, ông bảo sắp mưa, kiểu gì cũng mưa. Mấy năm sau khi chồng tôi mất, mẹ con tôi đành để ông ở nhà một mình để đi làm xa. Thương ông, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nhưng không còn cách khác”.
Gần 70 năm sống trong cảnh mù lòa, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Thịnh vẫn làm mọi việc bằng đôi tay khéo léo của mình.
Ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Lương Sơn, bộc bạch: “Cụ Thịnh là một hội viên vô cùng năng nổ, tuy sức khỏe của cụ không tốt, mắt lại mù lòa nhưng hàng năm cụ luôn tham gia các hoạt động của hội một cách nhiệt tình, cùng hội tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến đất, mở đường giao thông. Trong sinh hoạt cụ Thịnh rất hòa đồng, chan hòa với mọi người, rất vui vẻ, tinh thần lạc quan rất cao. Là tấm gương sáng cho các hội viên học tập”.
Làm đường cho trẻ đến trường
Bà Phạm Thị Huệ, hàng xóm của ông Thịnh khi được hỏi về ông: “Tuy mắt không thấy nhưng việc gì ông cũng tự làm được, anh em nhiều khi ngỏ ý muốn giúp nhưng ông bảo để ông tự làm. Hàng xóm nhờ ông giúp đỡ công việc ông cũng sẵn sàng giúp đỡ, ông Thịnh luôn sống vui vẻ và hòa nhã với bà con lắm”.
Những công việc như chăn nuôi gà nuôi lợn, trồng rau nuôi cá, đến nấu cơm dọn dẹp, đôi tay của ông dường như đã quen “nhìn thấy tất cả”.
Không chỉ được người dân trong thôn yêu quý vì chăm chỉ làm ăn, vượt qua nghịch cảnh mà người ta còn quý ông, cảm kích trước tấm lòng cao cả của ông dành cho lũ trẻ trong làng. Nghe các cháu trong làng phàn nàn về con đường ruộng mép đồi trơn trượt khó đi, nhất là vào mùa mưa, dễ bị ngã. Hàng ngày ông Thịnh đều mang cuốc, xẻng, chậu nhựa bỏ lên chiếc xe gỗ tự chế, đắp đất làm đường cho các cháu đi học. Dù bị các con và rất nhiều người ngăn cản, một mình ông vẫn miệt mài với công việc đắp đường.
Hàng ngày ông Thịnh đều mang cuốc, xẻng để đắp đất làm đường cho trẻ đến trường.
Đã mấy năm trôi qua, hàng năm ông Thịnh vẫn luôn miệt mài đào đất đắp đường, con đường nhỏ hẹp năm xưa nhờ có ông và sự giúp đỡ của bà con lối xóm giờ đây đã to hơn và rộng hơn, xe ô tô đã chạy được tận vào bên trong làng để chở ngô, chở lúa. Các cháu nhỏ hàng ngày đã tự tin đạp xe đi học trên chính con đường nhỏ hẹp năm xưa mà ông đã dành nhiều tâm huyết cũng như công sức cho việc đào đất, đắp đường.
Chị Trần Thị Thủy - cán bộ chính sách xã Lương Sơn, cho biết: “Hàng tháng, ông Lê Đình Thịnh được hưởng 540.000 trợ cấp xã hội dành cho người tàn tật, mất sức lao động, con dâu của cụ là chị Lương Thị Thiệu được hưởng 270.000 trợ cấp nuôi dưỡng. Ngoài ra, hàng năm ông Thịnh còn được nhận những phần quà đến từ UBND xã vào các dịp lễ, tết”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lương Xuân Thiêm - Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, bộc bạch: “Ngoài những xuất quà theo quy định của nhà nước vào các dịp lễ tết, UBND xã đã tổ chức vận động thêm nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp nhằm giúp đỡ, hỗ trợ, động viên những người tàn tật, những người có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong cuộc sống như ông Lê Đình Thịnh có một cái tết ấm no, hạnh phúc”.
Phương Uyên
Tin nóng
- SeABank được vinh danh “Ngân hàng tiên phong trong đổi mới quản trị vì sự phát triển bền vững” tại Vietnam ESG Awards
08/05/2025 9:18:40 SA
- Phát động Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VIII
06/05/2025 7:24:20 CH
- Ngân hàng số SeAMobile được xếp hạng 5 sao tại Giải thưởng Sao Khuê 2025
05/05/2025 1:31:13 CH
- Người dân không ngủ hào hứng chào đón 21 loạt đại pháo chào mừng đại lễ
30/04/2025 10:56:18 SA
- Bến số 3 Cảng Vũng Áng: Dấu mốc vàng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào
28/04/2025 9:22:47 CH