Cách thức kiểm soát Cỏ dại trong mô hình nông nghiệp bền vững
Trong canh tác nông nghiệp, bên cạnh các loài sâu hại thì cỏ dại là một trong những vấn đề mà người nông dân rất quan ngại. Chính vì vậy, người nông dân tìm mọi cách để diệt trừ cỏ dại.
Nếu như trước kia, biện pháp diệt trừ cỏ dại chủ yếu bằng phương pháp cơ học: nhổ bỏ, cuốc xới, đốt, ngâm nước... thì trong nông nghiệp hiện đại những thập niên gần đây, phương pháp chủ yếu nhất là sử dụng thuốc diệt cỏ. Việc sử dụng thuốc diệt cỏ bên cạnh việc tiện lợi và hiệu quả trước mắt thì nó cũng có rất nhiều tác động tiêu cực, cụ thể: 1) Ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và vật nuôi; 2) Ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí và môi trường nói chung; 3) Ảnh hưởng đến các kỹ thuật thiết kế ruộng vườn, tao nên những hệ sinh thái không bền vững. Vậy, thực chất cỏ dại có "đáng ghét" như chúng ta nghĩ, và có cách nào để có thể kiểm soát được cỏ dại mà vẫn đảm bảo tránh ô nhiễm môi trường và an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, chúng ta cùng nhau tìm hiểu trong bài viết này.
Lạm dụng thuốc diệt cỏ đang gây ra hậu quả nghiêm trọng với môi trường tự nhiên và sức khỏe con người. Ảnh Internet
Trước hết, cỏ dại được coi là loài cây không mong muốn trong một tình huống cụ thể, “một loài thực vật ở sai vị trí”. Theo cách hiểu phổ biến thì cỏ dại là thực vật không mong muốn trong các địa điểm của con người kiểm soát, chẳng hạn như các lĩnh vực nông nghiệp, vườn hoa, thảm cỏ, công viên. Nói theo phân loại sinh học, thuật ngữ “cỏ dại” không có ý nghĩa thực vật, bởi vì một loài thực vật là một loại cỏ dại trong một bối cảnh nào đó, lại không phải là một loại cỏ dại khi phát triển trong một tình huống mà nó được cần đến trong thực tế. Trong tự nhiên, chúng đóng vai trò rất quan trọng và lý thú. Chúng có thể kháng lại các điều kiện mà cây trồng không kháng được như hạn hán, độ chua của đất, thiếu mùn, suy giảm chất khoáng, cũng như tính chất một mặt của chất khoáng,…
Kiểm soát tốt cỏ dại cho cây trồng phát triển nhanh tránh cạnh tranh về dinh dưỡng dẫn đến cây còi cọc không có sức sống. Ảnh Internet
Thực tế, bên cạnh những bất lợi thì cỏ dại đóng vai trò rất quan trọng, thể hiện:
Một là, cỏ dại là nhân tố quan trọng chống xói mòn. Vai trò quan trọng nhất của cỏ dại là bảo vệ đất. Trong các trận mưa lớn, ta có thể quan sát nước đầy bùn chảy từ đất canh tác đã được cày bừa không có hoặc có rất ít cỏ dại.
Hai là, cỏ dại đóng vai trò là nhân tố cứu trợ của tự nhiên. Cỏ dại là nhân tố cứu trợ của tự nhiên. Khi da của chúng ta bị tổn thương, đầu tiên lớp da mỏng bao trùm lên thịt từ miếng da cũ bị tổn thương giúp ngăn không cho máu chảy thêm. Khi vết thương lành, lớp da mỏng đó bị mất đi. Tương tự như vậy, đất trống là một vết thương của tự nhiên trong khi cỏ dại là lớp da mỏng bảo vệ - che phủ lớp đất trống để tránh xói mòn. Khi cây trồng chiếm chỗ, cỏ dại biến mất. Một khi đất trở nên màu mỡ, loại cỏ dại cũng thay đổi theo. Trên đất ít màu mỡ, một loài cỏ dại sẽ mọc lan tràn. Nông dân càng làm cỏ, chúng càng mọc lan ra.
Ba là, cỏ dại là nhân tố quan trọng để nhận biết về độ phì nhiêu của đất. Mỗi loài cỏ dại có một đặc trưng riêng. Một số mọc trên đất xấu, còn một số lại mọc trên đất khá màu mỡ. Từ những đặc trưng này, người ta có thể nhận biết được độ phì của đất canh tác. Cỏ tranh là một loài cỏ rất phổ biến, chúng chỉ mọc trên đất rất xấu, do đó nó ám chỉ đất xấu. Ngoài ra nhiều loài cỏ dại khác có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá.
Bốn là, cỏ dại là nguồn cung cấp phì nhiêu cho đất. Cỏ dại là nguyên liệu để trộn và ủ phân rất tốt. Thật sai lầm khi chúng ta bỏ đi cỏ dại đã nhổ khỏi đất, bởi chúng đã tiêu thụ nhiều chất dinh dưỡng từ đất và sản sinh ra nhiều cacbonhydrat thông qua quá trình quang hợp, do đó có thể lấy lại cho đất bằng cách tái sinh lại cỏ dại.
Tự bản thân đất chọn những những cây gì phù hợp để có thể mọc trên từng vùng cụ thể, và qua đó báo cho ta biết những gì xảy ra trong đất. Thường là có một quá trình diễn biến như sau: trước hết là cỏ, tiếp theo là những cây thân thảo, sau đó là các cây bụi. Mỗi loại cây ấy cùng với các loài động vật kết hợp với nó chuẩn bị cho đất nhận được những cây kế tục giai đoạn sau.
Trong mô hình nông nghiệp bền vững, để xử lý vấn đề cỏ dại, các biện pháp chủ yếu sau được thực hiện.
- Trong khâu làm đất trước khi gieo trồng, cần làm đất sớm, làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng tốt để phát hiện và loại trừ mầm mống cỏ dại. Sau khi thu hoạch, cần tiến hành ngâm dầm ruộng vườn trong nước để tiêu diệt và phân hủy cỏ dại nhanh và hiệu quả hơn.
- Để cỏ dại mọc tự nhiên cho đến khi chúng ta đã trồng đủ những cây có ích và chuẩn bị kế hoạch xử lý. Vì nếu tiêu diệt ngay cỏ dại, đất trơ trụi dễ bị khô cằn và xói mòn. Dùng cỏ dại để chế biến thành phân ủ hoặc cắt làm nguyên liệu phủ đất (việc này phải được tiến hành trước khi cỏ ra hoa). Lớp phủ dày trên mặt đất (trên 5cm) khống chế được 90% cỏ dại. Lớp che phủ sống và dùng và dùng các loại cây che phủ cũng khống chế được cỏ dại hiệu quả.
- Trồng gối vụ, đây là hình thức gieo hạt cho vụ mùa sau trước khi thu hoạch vụ mùa đang canh tác. Gối vụ khi trồng rau là biện pháp đảm bảo thời vụ cho cây trồng sau trong lúc cây trồng trước đang chiếm đất, bằng cách cây trồng gối cây trồng sau vào cạnh cây trồng trước. Cây trồng trước và cây trồng sau đều là cây chính. Trồng ngay vào giữa cỏ dại những cây tiên phong như cây cố định đạm để làm bước đệm cho những cây tiếp theo. Sau đó bắt đầu trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ.
- Thường xuyên cắt bớt dần cỏ dại, đặc biệt cắt tại nơi sắp gieo hạt giống. Cỏ dại cắt được sẽ để lại làm vật liệu che phủ hoặc vùi trở lại đất (tránh vùi hạt cỏ) hoặc ủ làm phân hữu cơ, làm thức ăn cho vật nuôi. Giữ cho cỏ mới mọc dần và dùng làm thức ăn cho vật nuôi, với số lượng vật nuôi phù hợp.
- Sử dụng phân xanh để kiểm soát cỏ dại. Phân xanh được trộn vào đất, cỏ dại cũng bị vùi theo vào đất thông qua việc cày xới. Phân xanh làm biến đổi chất đất, làm cho kiểu cỏ dại cũng biến đổi theo và làm giảm số lượng cỏ dại.
- Sử dụng phân bón cho cây trồng một cách hiệu quả, cân đối và vừa đủ. Việc này đảm bảo hạn chế lượng phân bón dư thừa, cắt nguồn dinh dưỡng của cỏ dại, mặt khác đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng chính sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh để có thể lấn át được cỏ dại.
Như vậy, với mô hình nông nghiệp bền vững, cỏ dại không hoàn toàn có hại và "đáng ghét". Vấn đề đặt ra chúng ta cần tìm hiểu kỹ điều kiện về sinh thái của từng vùng đất, từng cánh đồng, mảnh ruộng, khu vườn để có quy hoạch về chủng loại cây trồng, thời điểm gieo trồng, biện pháp canh tác phù hợp. Làm tốt được điều này, chúng ta vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng của cây trồng, nhưng đồng thời vẫn có thể kiểm soát cỏ dại một cách hiệu quả mà không phải lạm dụng thuốc diệt cỏ và hóa chất để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Hà Đăng
Tin nóng
- DANKO CITY - GIÁNG SINH DIỆU KỲ VỚI 300 ÔNG GIÀ NOEL
12/12/2024 10:25:23 CH
- Cam FVF - Điển hình của ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp xanh bền vững
11/12/2024 3:08:23 CH
- Masan High-Tech Materials 7 năm liên tiếp được công nhận là "Doanh nghiệp Bền vững"
02/12/2024 3:08:04 CH
- Núi Pháo nhận giấy khen vì thực hiện tốt công tác chuyển đổi số
23/11/2024 8:55:54 SA
- SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai
20/11/2024 1:36:43 CH