Cà Mau: Tìm giải pháp để bảo tồn và phát triển làng nghề

05/08/2022 3:55:29 CH
Share Bai :

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có Công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định số 801/QĐ- TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Quyết định số 801/QĐ- TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, lưu ý xây dựng đề án, dự án, kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; lưu ý cụ thể hóa nội dung công việc, đơn vị chủ trì, phối hợp và xác định thời gian thực hiện.

Cà Mau chú trọng phát triển làng nghề truyền thống

Rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng làng nghề; tổ chức các hoạt động tôn vinh các sản phẩm và các nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu; khôi phục, bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các làng nghề.

Tập trung hướng dẫn tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ các sản phẩm OCOP của làng nghề tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Được biết, Cà Mau hiện có 37 làng nghề nông thôn, nhiều làng nghề được truyền trao hơn trăm năm qua như: đan đát, dệt chiếu, vót đũa, gác kèo ong, ép chuối khô; chế biến các loại cá khô, tôm khô, mắm, ba khía…

Những làng nghề này không chỉ việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn lưu giữ những dấu ấn, bản sắc văn hoá của từng địa phương, thế nên luôn có sức sống bền bỉ với thời gian.

Hiện nay, làng nghề có vài trò quan trọng từ nhiều góc độ của kinh tế, văn hoá, xã hội với những giá trị to lớn, độc đáo. Việc chuyển giao khoa học công nghệ vào các làng nghề đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ. Đi ra từ các làng nghề, nhiều sản phẩm đặc sản, đặc thù của Cà Mau đã nổi tiếng, có thương hiệu, góp mặt trong các siêu thị, lên sàn giao dịch thương mại điện tử, phân phối thị trường cả nước và hướng đến xuất khẩu.

Để khôi phục, phát triển các làng nghề;  Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã khoác áo mới cho các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm làng nghề được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.

Hàng năm, tỉnh đều xây dựng phương án hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ máy móc, trang thiết bị hiện đại, như công nghệ sấy năng lượng mặt trời, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mẫu mã, nhãn hàng hoá chuyên nghiệp, đúng quy định; sản phẩm được phân tích, kiểm nghiệm và công bố chất lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo UBND tỉnh Cà Mau nhận định, con người thế hệ mới thông thạo công nghệ mới làm nghề truyền thống từ giá trị cũ đang là công thức thành công của rất nhiều làng nghề, trong đó có tỉnh Cà Mau. Tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những mục tiêu quan trọng. Rồi đây những làng nghề, làng nghề truyền thống sẽ khẳng định sức sống cùng xu hướng thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đăng Khoa

  • Tags: