Cà Mau: Nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 04/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ đối với thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau”.
Trống lớn (Skor Thom) hay còn gọi là Skor Chi, là loại trống lớn nhất của đồng bào người Khmer thường cất giữ ở các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, người Khmer xem trống lớn là vật linh thiêng, báu vật…Trống lớn người Khmer sử dụng rất nhiều trong lao động sản xuất, âm nhạc, phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội…. Trống lớn cũng là phương tiện thông tin trong thời gian nhập hạ của các vị sư. Khi nhà sư nhập hạ ba tháng thường đánh trống báo tin đến đồng bào Phật tử.
Nghệ thuật nhạc trống lớn là thể loại nghệ thuật âm nhạc đặc biệt của cộng đồng dân tộc Khmer Cà Mau.
Trống lớn (Skor Thom) là loại nhạc khí màng rung gõ đã có từ lâu đời trong đời sống cộng đồng dân tộc Khmer Cà Mau, người Khmer Cà Mau sử dụng dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom) ở các nghi lễ, lễ hội lớn ở chùa như: Lễ An vị tượng Phật, lễ đắp núi cát ở đêm cuối Tết Chol Chnam Thmay, lễ nhập hạ và ra hạ của các vị sư, lễ khánh thành ngôi tháp, lễ hội Ok Om Bok, lễ Sene Đôl ta, lễ vào chùa tu, Pithi chol A-Reat (lễ mời thần A-Reat), Neak ta, lễ cầu an trong Phum, Srok hoặc ở ngôi chùa,… Nhìn chung các nghi lễ, lễ hội lớn tại ngôi chùa và lễ tang đều được sử dụng dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom). Lễ tang thường đi thỉnh trống lớn ở chùa về làm lễ, nhưng đôi khi chỉ có trống mà không có dàn nhạc trống lớn là bởi vì gia đình kinh tế khó khăn, mặc dù các nghệ nhân miễn phí nhưng vẫn lo ngại.
Nghệ thuật nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom) là thể loại nghệ thuật âm nhạc khá đặc biệt được sử dụng trong nhiều lễ hội, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nghệ thuật nhạc trống lớn tùy theo từng bối cảnh nghi thức, nghi lễ mà các nghệ nhân cùng chơi những bài bản có giai điệu buồn bã, tang tóc, tiết tấu chậm rãi, dìu dặt trong lễ tang; giai điệu trầm hùng, vang vọng chiến thắng trong lễ hạ thủy đua ghe ngo; giai điệu nhẹ nhàng, hạnh phúc trong lễ cưới; giai điệu thanh thoát, hướng thiện trong các lễ nghi tôn giáo… Đặc biệt hơn cả là trong lễ tang, dàn nhạc trống lớn đóng vai trò rất quan trọng trong lúc diễn tấu, mỗi nhịp trống phát ra có âm thanh trầm và vang xa là để thể hiện sự rung động cảm xúc xót thương đến người đã khuất.
Đăng Khoa
Tin nóng
- Lãnh đạo thành phố Uông Bí thăm, chúc Tết CBCNV Công ty Nhiệt điện Uông Bí
24/01/2025 9:53:33 SA
- Thanh Hóa: Trường tiểu học Nga Tiến tự hào ngôi trường chuẩn Quốc gia
21/01/2025 10:02:44 SA
- Hải quan Hà Tĩnh: Chủ động, kịp thời ngăn chặn các vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất
21/01/2025 8:34:49 SA
- SeABank lãi trước thuế 6.039 tỷ đồng năm 2024
20/01/2025 3:08:40 CH
- Hà Tĩnh: Gần 300 suất quà được trao tại Hội Báo Xuân Ất Tỵ 2025
17/01/2025 12:42:00 CH