Cà Mau - Điểm đến hấp dẫn sau Covid - 19

13/05/2021 11:44:19 SA
Share Bai :

Cà Mau sẵn sàng cho mùa du lịch

Tại hội nghị xúc tiến du lịch Cà Mau năm 2021 được tổ chức ngày 26/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết: Để phát triển du lịch xứng với tiềm năng và lợi thế Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Cà Mau là nơi có nhiều tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch, trong đó, nổi bật nhất là du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch cộng đồng, du lịch địa lý gắn với trải nghiệm (kết hợp khai thác văn hóa, lịch sử, văn hóa bản địa). Thương hiệu du lịch Cà Mau không ngừng phát triển và lớn mạnh theo thời gian.

Đại biểu dự hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau năm 2021.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Tiêu Minh Tiên chia sẻ: Năm 2020 mặc dù do hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng Cà Mau đón hơn 1,2 triệu lượt khách, đạt 88% kế hoạch năm. Năm 2021, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện kế hoạch kích cầu du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; xây dựng chương trình “Cà Mau - Điểm đến năm 2021” với nhiều sự kiện lớn nổi bật, thu hút du khách.

Cà Mau ưu tiên trong quảng bá, xúc tiến du lịch

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân mong muốn: “Hội nghị xúc tiến du lịch lần này, sẽ là cơ hội để du lịch Cà Mau tiếp thu những ý kiến quan trọng của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch để đổi mới, sáng tạo, tăng tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, kinh doanh, phát triển du lịch Cà Mau bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Khu du lịch Mũi Cà Mau - vẫn ngày đêm sừng sững như là dấu chấm nhỏ cuối cùng trên bản đồ đất nước hình chữ S.

Đánh giá cao tiềm năng lợi thế du lịch Cà Mau, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đại biểu đề xuất tỉnh Cà Mau cần có những cơ chế chính sách tạo cơ hội để người dân có thể cung cấp được hàng hóa, dịch vụ du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tiêu thụ sản phẩm do người dân địa phương làm ra. Đồng thời, tập trung đầu tư hạ tầng cho du lịch, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho người dân nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn cảnh quan môi trường, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, hội chợ về du lịch… tăng cường kích cầu liên kết giữa các điểm đến, ký kết hợp tác thỏa thuận du lịch với nhiều địa phương, thúc đẩy quảng bá các sản phẩm du lịch Cà Mau đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Ngô Hoài Chung nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, du lịch Cà Mau cần xác định rõ thị trường khách cụ thể để có công tác ưu tiên trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Ưu tiên tập trung phát triển những sản phẩm thế mạnh; cơ cấu lại sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu nhu cầu của khách trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường liên kết phát triển du lịch liên kết vùng, liên kết thị trường và liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau. Đẩy mạnh quản lý điểm đến, cải thiện môi trường du lịch đảm bảo an ninh, an toàn chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm, định vị thị trường du lịch Cà Mau độc đáo, hấp dẫn du khách.

Người Cà Mau hiền hòa cũng là “sản phẩm du lịch”

Phó Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ, Công ty Du lịch & Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam Vietravel Tạ Thị Tú Uyên ví von: “Người Cà Mau chân tình cũng là sản phẩm du lịch. Hay như câu ca “Nghe nói Cà Mau xa lắm” là lời mời gọi rất dễ thương”.

Bà Uyên chia sẻ thêm: “Cần phải tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn tại địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và khách du lịch để khích lệ nhu cầu đến tham quan du lịch tại Cà Mau”.

Khám phá vùng sông nước Cà Mau

Tại buổi xúc tiến du lịch, các đại biểu cũng cho rằng, cần công khai, công bố các chương trình kích cầu du lịch như: Ưu đãi giảm thuế, giảm giá các dịch vụ lưu trú như giảm giá phòng, khách đoàn vào các dịp cuối tuần, ngày lễ, cung cấp miễn phí một phần dịch vụ hoặc có chính sách giảm giá sâu, miễn giá vé tham quan, hay cung cấp một số dịch vụ sáng tạo sẵn có của doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành và hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Chương trình “Cà Mau - Điểm đến năm 2021” có 5 sự kiện lớn: Tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc năm 2021 hưởng ứng năm du lịch Quốc gia Ninh Bình 2021, diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28.3.2021.

Lễ hội Tri ân quốc tổ diễn ra tháng 4.2021, tại Di tích Đền Hùng (Thái Bình); Đền thờ Lạc Long Quân tại Mũi Cà Mau và các hoạt động gắn với chuỗi sự kiện như: “Hương rừng U Minh”; Khám phá U Minh huyền ảo; trải nghiệm thu hoạch cá đồng, theo chân thợ gác kèo ông vào rừng lấy mật…,

Ngày hội “Bánh dân gian Nam bộ” với chủ đề “Sắc màu Đất Phương Nam” diễn ra tháng 4.2021, tại Trung tâm thành phố Cà Mau; Ngày hội Cua Năm Căn gắn với văn hóa ẩm thực Cà Mau diễn ra tháng 9.2021, tại thị trấn Năm Căn; Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau;

Cuộc thi chạy Marathon với chủ đề “Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại” Cà Mau 2021, dự kiến diễn ra vào tháng 9.2021 tại huyện Ngọc Hiển và kết thúc về đích tại Mũi Cà Mau; Lễ Thượng cờ - Thống nhất non sông tại Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau vào ngày 2.9.2021.

Đạt Thịnh - Trung Phong