Bưởi Đoan Hùng- Đặc sản thơm ngon mà tinh tế vùng đất Tổ

22/04/2020 9:22:34 CH
Share Bai :

MT&XH - Những năm gần đây, người tiêu dùng đã biết đến một giống bưởi đặc sản, quả nhỏ, vỏ héo, mềm mọng nước, ngọt và mát, đó là giống bưởi Đoan Hùng. Giống bưởi quý này hiện đã được người dân ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) nhân rộng để phát triển theo hướng hàng hóa.

Có một mối liên hệ ràng buộc nào đó mà cả ba miền Bắc – Trung – Nam của nước ta đều có những giống bưởi ngon nức tiếng. Bưởi Phúc Trạch đặc trưng cho miền Trung nắng gió, bưởi Năm Roi chọn cho mình vùng đất Nam Bộ màu mỡ để sinh sôi. Bưởi Đoan Hùng chắt lọc tinh chất từ sỏi đá trung du để ngon, ngọt đến lạ kỳ.

Bưởi Đoan Hùng là một giống bưởi nổi tiếng, không chỉ ở Phú Thọ, mà còn nổi tiếng ở khắp miền Bắc. Bưởi Đoan Hùng được biết đến bởi những đặc điểm tép nhỏ, quả nhỏ, vỏ héo, mềm mọng nước, ngọt và mát. Giống bưởi ở đây còn quý ở chỗ, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra ăn vẫn ngọt, ngon như thường mà không bị hư.

Được biết, bưởi Đoan Hùng có 2 giống bưởi, đó là bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Bưởi Chí Đám, được nhân dân xã Chí Đám nhân ra từ cây bưởi ngon của nhà lão nông có tên là Sửu cách đây trên 200 năm, từ đó đến nay tên ông được đặt cho giống bưởi. Bưởi Sửu sau 5 năm trồng cho quả có chất lượng tốt, cây 15 tuổi có năng suất từ 100 – 150 quả, bảo quản được sau 5 – 6 tháng quả giữ được chất lượng tốt.

Bưởi Bằng Luân có cách đây 200 đến 300 năm là giống có nhiều nhất ở Đoan Hùng, hầu hết các xã trong huyện, đặc biết là Bằng Luân và Quế Lâm đều trồng giống bưởi này. Bưởi Bằng Luân có dạng lá nhỏ, tròn đều. Khi chín có màu vàng rơm, màu thịt quả trắng, trục quả đặc, dễ tách múi, tép mềm mọng nước có màu trắng xanh và ngọt đậm vị thơm. Có lẽ làm nên cái hồn cho bưởi Đoan Hùng là hương bưởi, cái mùi thơn ngan ngát ấy thực khó diễn tả.

Đặc sản bưởi Sửu, bưởi Bằng Luân… được trồng tại xã Chí Đám huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ.

Là một trong những gia đình trồng bưởi Sửu mang lại thu nhập cao, ông Trần Văn Phẩm (69 tuổi, thôn Lã Hoàng 2 xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng) cho biết: “Việc trồng được cây bưởi Sửu là rất khó khăn trong giai đoạn đầu về diện tích cơ cấu vườn tốn kém rất nhiều, ban đầu Nhà nước có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, nguồn phân toàn bộ để bón cho cây là phải phân hữu cơ nếu bón phân hóa học thì coi như hỏng cây vì khi ra trái không được ngon. Quy trình chăm sóc để tránh ruồi vàng những năm đầu tiên thì phun thuốc nhưng không hiệu quả vì sâu bệnh ruồi vàng kháng thuốc nên gia đình phải bắt hoàn toàn bằng thủ để tránh ruồi vàng”

Tổng diện tích vườn bưởi của gia đình có 1 hecta, mô hình được trồng 20 năm có 135 gốc, gia đình thu hoạch được trái khoảng 3 năm lại đây mỗi năm thu nhập từ 300  - 400 triệu đồng/ năm”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Mạch – Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh bưởi xã Chí Đám cho biết: “HTX được thành lập năm 2012 có 10 hộ đến năm 2014 thêm 6 hộ, tổng diện tích mô hình trồng bưởi Sửu tính tới thời điểm hiện nay có 8 hecta, trong đó có 4hecta được trồng từ năm 2006 đã cho thu hoạch ổn định mỗi năm khoảng từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/năm. Còn 4 hecta là bưởi trồng sau mới cho quả bói ( chưa thu hoạch được).

Bưởi Đoan Hùng gần như là “mũi nhọn” kinh tế làm giàu cho người dân nơi đây.

Cũng theo ông Mạnh, quy trình trồng và phòng bệnh cho cây bưởi phải chú trọng là không được trồng sâu quá. Trong quá trình cây phát triển là phải bón phân cân đối, đảm bảo không tốt quá không cằn quá. Đáng chú ý, khi sâu bệnh chú trọng nhện đỏ, nhện trắng, bệnh gôm do khí khậu nhiệt đới nên cây hay bị bệnh gôm vậy phải ủ phân bằng phân hữu cơ để hạn chế sâu bệnh và vườn không được để động nước sẽ gây thối dễ, loát cam bệnh...

Cây bưởi tại huyện Đoan Hùng gần như là “mũi nhọn” kinh tế làm giàu cho người dân nơi đây. Loại bưởi thường bán tại vườn hay cho khách đi đường với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/ quả, còn loại bưởi Sửu tại xã Chí Đám bán vào dịp Tết có giá từ 60.000 – 70.000 đồng/ quả và có những gia đình nhờ trồng và phát triển bưởi đặc sản đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Được biết, bưởi Sửu tại xã Chí Đám là loại bưởi đã có từ lâu đời. Nói về lịch sử quả bưởi Sửu có từ thời chống Pháp người dân Chí Đám đã sơn đen rồi thả xuống dòng sông Lô để giả làm thủy lôi để đánh lừa thực dân Pháp đã góp phần tạo nên chiến thắng sông Lô lịch sử. Tuy nhiên, sau này giống bưởi Sửu bị mai một đi vì giá cả thị trường không cao. Năm 2000 huyện Đoan Hùng tổ chức cuộc thi bưởi ngọt trong đó giống bưởi Sửu và Bằng Luân, thì bưởi Sửu Chí Đám được giải nhất từ đó đã nhân rộng ra hai giống bưởi này và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

Bích Ngọc

  • Tags: