Bến Tre: Từng bước hoàn thành mục tiêu nuôi Tôm công nghệ cao
Nhờ các chính sách hỗ trợ, phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã có “quả ngọt” bước đầu đó là tổng diện tích nuôi tôm vào khoảng 2.500 ha, đạt 100% kế hoạch năm 2022.
Đạt 100% mục tiêu của năm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, tính đến nay, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vào khoảng 2.500 ha, đạt 100% so kế hoạch năm 2022; sản lượng đạt 42.000 tấn; năng suất bình quân 40-60 tấn/ha; lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ.
Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã phát triển thêm 493 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tập trung nhiều ở các huyện Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri.
Hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người dân đầu tư khá quy mô và ngày càng cải tiến hơn về khâu thiết kế kỹ thuật hạ tầng vùng nuôi.
Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư còn tận dụng hệ thống mái che của khu nuôi kết hợp đầu tư hệ thống điện mặt trời, góp phần chủ động nguồn điện và tiết kiệm chi phí trong sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã đầu tư hoàn thiện, mở rộng ứng dụng công nghệ sản xuất giống, từng bước nâng cao chất lượng giống và chủ động về con giống.
Nhiều doanh nghiệp có năng lực đã tham gia vào quy trình sản xuất giống thủy sản với công suất khoảng 3 - 6 tỷ con giống/năm. Tỉnh hiện có 3 khu sản xuất giống tập trung tại xã Thới Thuận, Thừa Đức (Bình Đại) và xã Thạnh Hải (Thạnh Phú).
Bến Tre có thêm 493 ha nuôi tôm công nghệ cao tính từ đầu năm đến nay
Chính quyền và người dân đồng lòng
Để phát triển ngành tôm như mục tiêu đặt ra, tỉnh Bến Tre bên cạnh chú trọng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu còn ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tôm.
Hiện tỉnh đang triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Bình Đại 2.000 ha, Ba Tri 500 ha, Thạnh Phú 1.500 ha).
Về chính sách đầu tư của tỉnh đối với lĩnh vực đầu tư nông nghiệp, bà Trần Thị Xuân Duyên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết: “Hiện nay, tỉnh cũng ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhất là nhà máy chế biến tôm, tỉnh chưa có nhà máy chế biến tôm. Bên cạnh các ưu đãi theo quy định chung, nếu nhà máy đặt tại 3 huyện ven biển sẽ được ưu đãi hỗ trợ đầu tư theo cơ chế đặc thù các huyện vùng ven biển. Những chính sách ưu đãi về giảm thuế, hỗ trợ đầu tư, hạ tầng…”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính hỗ trợ vùng nuôi thủy sản được quy định tại Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động Ban quản lý vùng nuôi thủy sản (hoạt động trên lĩnh vực nuôi tôm nước lợ) trên địa bàn tỉnh Bến Tre; có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Đây là một trong những chính sách góp phần thúc đẩy phát triển diện tích nuôi tôm, nhất là tôm công nghệ cao của tỉnh Bến Tre.
Gần đây nhất, Bến Tre đã được Bộ NN&PTNT chấp thuận phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại địa bàn huyện Bình Đại với tổng mức đầu tư trên 83 tỉ đồng; dự án hạ tầng vùng nuôi 2.000 ha tôm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ba Tri được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 160 tỉ đồng. Qua những dự án nêu trên, hứa hẹn trong tương lai, sẽ từng bước hoàn thiện được các vùng nuôi trồng thủy sản đạt chất lượng trên địa bàn.
Cùng chung mục tiêu đó, tỉnh đã đề xuất Bộ NN&PTNT nghiên cứu và hỗ trợ triển khai thêm dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú, với tổng vốn trị giá khoảng 300 tỉ đồng.
Đồng thời, xem xét, tìm ra giải pháp để gỡ bỏ khó khăn về quỹ đất công để đầu tư các vùng nuôi công nghệ cao tập trung; mở rộng hệ thống hạ tầng, nhất là điện 3 pha phục cho vùng nuôi tôm tập trung; đưa ra kế hoạch giải quyết cho vấn đề công suất nhà máy. Hiện, toàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy chế biến tôm với công suất thiết kế 5.000 tấn/năm, chỉ có thể đáp ứng được 10% sản lượng tôm biển nuôi.
Nhiều doanh nghiệp có năng lực đã tham gia quy trình sản xuất con giống như Công ty TNHH Việt - Úc có khu sản xuất giống tôm nước lợ tại xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) với diện tích 55 ha; Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Giống thủy sản Toàn Cầu.
Hiện ở Bến Tre, nhiều mô hình nuôi tôm CNC đã được thử nghiệm, áp dụng như: Nuôi tôm CNC kết hợp sản xuất điện mặt trời; nuôi tôm càng xanh thâm canh và bán thâm canh toàn đực; nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa... Các mô hình đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC mới được áp dụng, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến 2030, trong đó có nuôi tôm công nghệ cao, với mục tiêu hoàn thành 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao và giá trị sản xuất đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Mục tiêu của chương trình này là tập trung phát triển nhanh, mạnh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi theo hướng sinh thái, hữu cơ với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh; năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể.
Đăng Khoa - Trần Phú
Tin nóng
- Tổ chức kết nối doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực với các trường đại học đào tạo nghề
01/11/2024 5:07:30 CH
- Sắp diễn ra Triển lãm chuyên ngành quang điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh
25/10/2024 2:53:24 CH
- Tọa đàm trực tuyến 'Hoàn thiện quy định về trạm sạc, thúc đẩy phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam'
16/10/2024 2:11:40 CH
- Công nghệ thông minh hỗ trợ sức khỏe: Long Châu ra mắt tính năng Nhắc uống thuốc mới
30/08/2024 4:21:10 CH
- Triển lãm Quốc tế Điện tử & Thiết bị Thông minh Việt Nam (IEAE)
15/05/2024 5:13:56 CH