Bến Tre: Hoàn thiện 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Toàn tỉnh Bến Tre đang tập trung hoàn thiện và phát triển 8 sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiêp trên tại địa phương.
Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Nghị quyết hướng đến mục tiêu phải xây dựng và hoàn thiện được chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển ổn định, bền vững đối với 8 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh, gồm: Dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển.
Theo đó, tỉnh Bến Tre tiến hành triển khai các nhiệm vụ tương ứng với từng thời kỳ để từng bước hoàn thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Cụ thể, từ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản; xây dựng và hình thành hợp tác xã kiểu mới cho mỗi sản phẩm (2016-2018); nâng cấp chuỗi giá trị và tổ chức nhân rộng (2019-2020); tiếp tục phát triển chuỗi đã hình thành theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và nhân rộng đối với một số sản phẩm nông nghiệp khác (2021-2025).
Chuỗi giá trị sản phẩm dừa hữu cơ được tỉnh Bến Tre tập trung phát triển đã đạt được nhiều thành quả nổi bật
Theo đánh giá của Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh mới đây, qua hơn 5 năm xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, với những kết quả bước đầu đạt được có tác động tích cực đến kinh tế nông nghiệp - thủy sản của tỉnh. Nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng sạch có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành. 3 chuỗi sản phẩm: dừa, chôm chôm và bưởi da xanh hình thành khá rõ nét.
Đối với chuỗi sản phẩm dừa, khoảng 30% sản phẩm dừa của tỉnh được chế biến sâu để xuất khẩu. Dừa Bến Tre trở thành thương hiệu dừa Việt Nam được các thị trường lớn như: Trung Quốc, châu Âu, Mỹ quan tâm. Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, xây dựng chuỗi giá trị dừa hữu cơ có ý nghĩa rất lớn, nhất là có thể liên kết những hộ sản xuất nhỏ để hình thành sản xuất lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới.
Đến nay, chuỗi giá trị sản phẩm dừa của tỉnh Bến Tre đã có 27 hợp tác xã (HTX), 47 tổ hợp tác (THT) tham gia với tổng diện tích liên kết hơn 12.684 ha, chiếm 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ dừa cho bà con nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Đối với chuỗi bưởi da xanh, toàn tỉnh đã hình thành 32 THT và 09 HTX, với 1.467 hộ thực hiện liên kết với diện tích khoảng 542,65 ha; duy trì 17 liên kết với doanh nghiệp đầu ra với tổng diện tích là 300 ha. Trong đó, diện tích bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 113,2/9.442ha.
Chuỗi Chôm chôm: Hiện có 46 THT, HTX sản xuất chôm chôm; trong đó, có 22 THT và 05 HTX tham gia liên kết với diện tích khoảng 375,4 ha/768 hộ; diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 113,2 ha; đã cấp 22 mã vùng trồng chôm chôm với diện tích151,16 ha; xây dựng tem truy xuất nguồn gốc với số lượng 95.000 tem.
Chuỗi Cây giống, hoa kiểng: Có 04 HTX, 234 hộ tham gia với diện tích 54 ha.
Chuỗi đàn lợn: Toàn tỉnh đã có 02 THT và 03 HTX với 184 hộ tham gia với khoảng 10.778 con và xây dựng 4 liên kết đầu vào - ra; bình quân mỗi tháng liên kết tiêu thụ đầu ra khoảng 1.500 con heo.
Chuỗi con bò: Đã có 01 THT và 04 HTX tham gia liên kết với các công ty, doanh nghiệp và HTX với tổng cộng 2.140 con.
Chuỗi Tôm biển: Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thả nuôi từ đầu năm đến nay đạt: 2.000 ha/2.200 ha (đạt 90,9% so với Kế hoạch số 3003/KH-UBND).
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức xây dựng, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng còn những hạn chế, bất cập. Đó là tiến độ xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh chậm.
Còn 5/8 sản phẩm (tôm biển, nhãn, lợn, bò và hoa kiểng) chỉ đạt mức độ chuỗi cung ứng ngắn, liên kết đầu vào, đầu ra chưa bền vững. Quy mô diện tích, sản lượng tham gia chuỗi các sản phẩm chủ lực còn nhỏ so với yêu cầu, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển chuỗi giá trị tôm
Mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền vững. Quy mô vùng nguyên liệu sạch còn nhỏ; nông dân chưa mặn mà tham gia thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất sạch. Từ đó, việc xã hội hóa xây dựng, tái công nhận các tiêu chuẩn sản xuất sạch cho vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn.
Quy mô vùng nguyên liệu sạch quá nhỏ, việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn tương đương như: mã code vùng trồng, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý vùng trồng… ban đầu được Nhà nước đầu tư kinh phí hỗ trợ xây dựng, công nhận nhưng trong thực tế người sản xuất không hưởng lợi từ các chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương
Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND kiến nghị cần phát triển mạnh hơn nữa chuỗi giá trị sản phẩm dừa. Bên cạnh đó, củng cố mở rộng phát triển có chiều sâu và tạo thương hiệu mạnh cho các chuỗi sản phẩm tôm biển, bưởi da xanh, chôm chôm và một số sản phẩm đặc sản khác.
Tiếp tục xây dựng phát triển các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm heo, bò, nhãn và cây giống - hoa kiểng lên thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Tạo giá trị tăng thêm cho các chuỗi sản phẩm cao hơn. Cụ thể, giá trị chuỗi dừa và tôm biển đều đạt 1 tỷ USD; chuỗi bò và cây giống - hoa kiểng đều đạt 500 triệu USD vào năm 2025.
Đoàn giám sát đề xuất UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối phối hợp, huy động các ngành chức năng, địa phương thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong xây dựng phát triển chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu sạch.
Trong đó chú trọng đến các khâu: Quy hoạch vùng nguyên liệu, củng cố phát triển HTX; huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, quản lý sản xuất, môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tài chính tín dụng, xúc tiến thị trường...
Các ngành chức năng liên quan cần hướng dẫn HTX về nội dung ký kết hợp đồng liên kết đầu vào/hợp đồng liên kết đầu ra cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa HTX và doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch, công bằng, công khai đúng quy định pháp luật về hợp đồng kinh tế, hợp đồng phải có chế tài áp dụng nhằm đảm bảo hiệu lực hợp đồng liên kết.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện tốt các quy định về đất đai nhằm tạo thuận lợi để các thành phần tham gia chuỗi có điều kiện tiếp cận đất đai. Hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chế biến tập trung. Tạo điều kiện về thể chế, chính sách, thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác, tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa và quản trị tiên tiến.
Hữu Huyền - Trung Phong
Tin nóng
- Đầu tư phát triển bền vững, Vinamilk luôn nằm trong Top doanh nghiệp niêm yết hàng đầu hơn 10 năm qua
21/09/2023 4:26:53 CH
- Cà Mau phát động cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và an toàn thực phẩm” năm 2023
19/09/2023 1:05:08 CH
- Căn hộ chuẩn dinh thự trên không tiếp tục xu hướng tăng giá trong tương lai
18/09/2023 2:39:59 CH
- Đại sứ Australia ấn tượng với chuyến thăm quan mỏ Núi Pháo
16/09/2023 12:32:16 CH
- Họp kỹ thuật và bốc thăm chia bảng Giải bóng đá “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” lần 5
15/09/2023 6:39:36 CH