Bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạt động du lịch ở Việt Nam hiện nay dưới góc độ Pháp luật
Bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạt động du lịch hướng tới phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu mà phải bằng hành động được xây dựng trong ý thức cộng đồng và xã hội.
1. Vài nét khái quát về đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học (tiếng Anh: biodiversity) là một chuyên ngành của sinh học nghiên cứu sự đa dạng và biến đổi của sự sống trên Trái Đất. Đa dạng sinh học biểu hiện ở ba đặc điểm: đa dạng di truyền, đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái. Đa dạng sinh học không được phân bố đều trên khắp Trái Đất và các vùng nhiệt đới thường có đa dạng sinh học cao hơn các khu vực khác. Đa dạng sinh học trên cạn cũng thường ở cao hơn ở các vùng gần đường xích đạo - đây là hệ quả của khí hậu ấm và sản lượng sơ cấp cao. Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở vùng này chiếm ít hơn 10% bề mặt Trái Đất nhưng là nơi 90% các loài sinh sống trên thế giới. Dọc theo các bờ biển ở phía Tây Thái Bình Dương, sinh học biển thường đa dạng hơn vì nơi này có nhiệt độ mặt biển đạt mức cao nhất và nằm ở dải vĩ độ trung bình trên tất cả các đại dương. Thường có những gradient vĩ độ trong đa dạng loài, trong đó độ đa dạng tăng ở vùng vĩ độ thấp hơn. Đa dạng sinh nói chung có xu hướng tập hợp tại những điểm nóng và có dấu hiệu gia tăng theo thời gian nhưng có khả năng sẽ diễn ra chậm trong tương lai.
Ảnh internet
Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền. Quá trình bảo tồn đa dạng sinh học có nhiều hoạt động khác nhau nhưng hoạt động bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên là có vai trò quan trọng nhất đối với hoạt động du lịch. (Hệ sinh thái là quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật của một khu vực địa lý nhất định, có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau ; còn hệ sinh thái tự nhiên là hệ sinh thái hình thành, phát triển theo quy luật tự nhiên, vẫn còn giữ được các nét hoang sơ ).
2. Pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam hiện nay.
Luật Bảo tồn đa dạng sinh học được Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 13/11/2008. Nội dung của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam rất phong phú, điều chỉnh nhiều quan hệ xã hội khác nhau liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trong phạm vi chuyên đề này việc tiếp cận bảo tồn đa dạng sinh học được đặt trong mối quan hệ với hoạt động du lịch nên chúng tôi chỉ phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học có vai trò quan trọng đối với hoạt động du lịch.
2.1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học
Để ngăn chặn các hành vi gây hại tới đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học được hiệu quả, Luật đa dạng sinh học 2008 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7 Luật đa dạng sinh học 2008) như: Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại… Với quy định này, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã đặt ra ranh giới rõ ràng để ngăn chặn các hành vi gây tổn hại tới tài nguyên đa dạng sinh học. Các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các điều cấm nói trên để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động du lịch.
2.2 Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên
Trong quá trình bảo tồn đa dạng sinh học, Nhà nước đã thành lập và quản lý các khu bảo tồn nhằm phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung, góp phần phát triển kinh tế du lịch nói riêng. Theo quy định của Luật Đa dạng sinh học năm 2008 thì khu bảo tồn bao gồm: Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài - sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan (Điều 16 Luật Đa dạng sinh học năm 2008). Việc thành lập và quản lý các khu bảo tồn cùng với việc bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật quý hiếm (xem Điều 41, 42 Luật Đa dạng sinh học năm 2008) vừa có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, vừa góp phần hình thành nên các khu du lịch, các điểm du lịch với hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tham quan, giải trí. Đây chính là một sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển kinh tế du lịch.
2.3. Thành lập, quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bao gồm: (1) Cơ sở nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; (2) Cơ sở cứu hộ loài hoang dã; (3) Cơ sở lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử; (4) Cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền (xem Điều 42 Luật Đa dạng sinh học năm 2008). Cùng với việc quy định về điều kiện thành lập, quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cũng như quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học thì Luật Đa dạng sinh học năm 2008 còn quy định về bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị, đang bị đe dọa tuyệt chủng (xem Điều 48 Luật Đa dạng sinh học năm 2008). Những quy định này vừa góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, vừa góp phần hình thành nên các điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt với việc quy định các quyền, nghĩa vụ cho người quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trong đó tạo điều kiện cho họ có thể khai thác một cách hợp lý các lợi ích kinh tế từ cơ sở bảo tồn đã thúc đẩy các tổ chức, cá nhân kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển kinh tế (trong đó có kinh tế du lịch) để nâng cao thu nhập cho mình.
2.4. Kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Một trong những tác động của hoạt động du lịch tới bảo tồn đa dạng sinh học đó là việc khách du lịch có thể phát tán một số loài ngoại lai xâm lại vào môi trường bản địa, gây ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học. Pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học đã có những quy định nhằm kiểm soát, hạn chế, loại trừ các loài ngoại lai xâm hại vào môi trường Việt Nam với những nội dung cụ thể như:
+, Điều tra và lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại (Điều 50 Luật Đa dạng sinh học năm 2008);
+, Kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại, sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai (Điều 51 Luật đa dạng sinh học năm 2008);
+, Kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại (Điều 52 Luật Đa dạng sinh học năm 2008);
+, Kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại (Điều 53 Luật Đa dạng sinh học năm 2008);
+, Công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại (Điều 54 Luật Đa dạng sinh học năm 2008).
Những quy định này không chỉ kiểm soát được sự xâm lấn của loài ngoại lai xâm hại vào môi trường bản địa từ nhiều nguồn khác nhau (trong đó có nguồn từ khách du lịch), mà còn kiểm soát được các hoạt động nuôi trồng, phát triển các loài ngoại lai xâm hại (đặc biệt ở một số điểm du lịch có thể nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai xâm hại thỏa mãn sự tò mò hiếu kỳ của khách du lịch). Qua đó, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực du lịch nói riêng.
TS. Hà Anh Tuấn - GV Khoa Du lịch - Trường Đại học Công đoàn Hà Nội
Tin nóng
- BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HẢI PHÒNG CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT IVF CHO BỆNH VIỆN SẢN NHI LÀO CAI
03/04/2025 2:46:53 CH
- Hải Phòng: Khánh thành Nhà máy sản xuất Pin xanh với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD
20/01/2025 5:47:18 CH
- Ngành Khoa học và Công nghệ với những sự kiện nổi bật về khoa học, sáng tạo năm 2024
26/12/2024 3:05:09 CH
- Tổ chức kết nối doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực với các trường đại học đào tạo nghề
01/11/2024 5:07:30 CH
- Sắp diễn ra Triển lãm chuyên ngành quang điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh
25/10/2024 2:53:24 CH