Lào Cai: Ai đang “nhắm mắt làm ngơ” cho loạt công trình “khủng” xây dựng trên trồng rừng?

24/06/2021 1:44:34 SA
Share Bai :

MT&XH - Tại hai xã Bản Cầm và Phú Nhuận thuộc huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đang tồn tại hai công trình nhà ở ngang nhiên xây dựng trong đất rừng sản xuất. Điều này sẽ là tiền lệ rất xấu nếu không được xử lý dứt điểm, kịp thời. Thế nhưng, trên thực tế, các cơ quan chức năng của huyện Bảo Thắng dường như chỉ phạt cho “có lệ”, không áp dụng các biện pháp kiên quyết khiến các công trình này “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thách thức sự nghiêm minh của Pháp luật...

Theo thông tin tìm hiểu của Phóng viên, tại xã Phú Nhuận, công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng sản xuất tại thửa đất số 176, tờ bản đồ 03 thôn Phú Sơn, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai thuộc sở hữu của gia đình ông Trần Văn Hải. Công trình có tổng diện tích 470 m2, gồm căn nhà khang trang 02 tầng với diện tích 220 m2, 01 nhà ở cho công nhân diện tích 130 m2, 01 khu chăn nuôi diện tích 120 m2.

Công trình của ông Trần Văn Hải tại xã Phú Nhuận.

Đồng thời, ông Hải đã mua thêm đất rừng sản xuất tại thửa 174, tờ bản đồ 03 của ông Nguyễn Trọng Bì ở thôn Phú Thịnh 3, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng. Tại đây ông Hải cũng đã xây dựng trái phép công trình lợp mái tôn trên đất rừng sản xuất tổng diện tích 1.360 m2, sử dụng để nuôi cá tầm, ủ rượu và làm nhà ở cho công nhân trên đỉnh đồi.

Điều đáng chú ý các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất nêu trên được bắt đầu xây dựng từ năm 2016, nhưng chính quyền địa phương nơi đây chỉ phát hiện khi nó được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm.

Ngày 02/11/2020 UBND xã Phú Nhuận đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Hải, ông Bì, ghi nhận các hành vi xây dựng trái phép tại thửa đất 174, 176 tờ bản đồ số 3.

Ngày 10/12/2020 UBND huyện Bảo Thắng đã ra quyết định xử phạt tại các quyết định số 6777 QĐ-XPVPHC đối với hộ ông Hải; quyết định số 6778 QĐ-XPVPHC đối với hộ ông Bì. Ngoài số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, UBND huyện Bảo Thắng yêu cầu buộc người vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên cho đến nay, đã nhiều tháng trôi qua, các công trình vi phạm trên vẫn trong trạng thái nguyên trạng, không được tháo dỡ khôi phục lại tình trạng đất rừng sản xuất ban đầu.

Tương tự, tại xã Bản Cầm, gia đình ông Trần Văn Ngoan - bà Doãn Thị Hồng xây dựng công trình kiên cố với diện tích 411 m2 trên diện tích đất rừng sản xuất tại thửa đất số 1516 tờ bản đồ số 02 thôn Nậm Chủ, xã Bản Cầm. Theo đó, ngày 17/4/2020 UBND xã Bản Cầm đã có biên bản đình chỉ xây dựng khi hiện trạng công trình đã đào xong móng.

Công trình gia đình ông Trần Văn Ngoan - bà Doãn Thị Hồng tại xã Bản Cầm.

Tuy nhiên, tại biên bản kiểm tra ngày 23/4/2020 gia đình bà Hồng vẫn tiếp tục xây dựng. Tại biên bản, UBND xã Bản Cầm nêu rõ: "Việc hộ gia đình bà Hồng tự ý chuyển đổi đất rừng sản xuất là vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, quy định tại điểm a khoản 1 điều 10 Nghị định 91/2019/NĐCP ngày 19/11/2019 về vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai".

UBND xã Bản Cầm cũng "yêu cầu gia đình bà Hồng ngừng ngay việc xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp kể từ 16h ngày 23/4/2020. Nếu sau thời gian trên gia đình ông Ngoan - bà Hồng tiếp tục vi phạm, UBND xã bản Cầm sẽ xử lý vi phạm hành chính theo quy định". Đồng thời, UBND xã này cũng yêu cầu gia đình nhà bà Hồng hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 29/4/2020 UBND xã Bản Cầm ra quyết định xử phạt số 09/QĐ-XPVPHC đối với hộ gia đình bà Hồng số tiền là 4 triệu đồng. Đến ngày 2/7/2020 khi kiểm tra, gia đình bà Hồng vẫn chưa khắc phục mà hiện trạng công trình đã xây lên cấp 3, mái lợp ngói, tôn và đã đi vào sử dụng.

Và tới thời điểm hiện tại, hai công trình này vẫn được chủ hộ tiếp tục sử dụng như không có chuyện gì xảy ra. Việc này đã tạo ra những bức xúc trong dư luận địa phương.

Anh Trịnh Trung T. (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng) nói: “Ở đây, chỉ cần đặt một nhát cuốc, một viên gạch là đã có cán bộ đô thị xuống để giám sát, xem xét, họ quyết liệt lắm mà tại sao cả cái trang trại to lù lù mà chỉ khi đi vào sử dụng rồi cán bộ mới thấy? Bằng cách nào mà chủ nhà khiến cả bộ máy chính quyền địa phương “im lặng” đến như vậy nhỉ?”.

Để rộng đường dư luận, tránh những dư luận không tốt ảnh hưởng đến uy tín của tập thể, cá nhân liên quan, nhóm PV Tạp chí Môi trường & Xã hội đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng và cán bộ lãnh đạo huyện Bảo Thắng.

Thế nhưng thật đáng buồn là ngoài những lý do “bận họp”, “đang xử lý”... thì cái chúng tôi nhận được chỉ là những tiếng “tút” dài trên điện thoại...

Vậy, việc tránh né cơ quan Báo chí này có được coi là hành động tiếp tay cho sai phạm “khủng” tại địa phương huyện Bảo Thắng hay không?

Kính đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai vào cuộc tìm hiểu rõ nguyên nhân, công bố rộng rãi cho bạn đọc cả nước cùng biết.

Tạp chí Môi trường & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

PV