Bác Hồ với tinh hoa của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và giải phóng dân tộc

31/10/2024 9:16:49 CH
Share Bai :

Sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, năm 1941 Bác đã về với Tổ quốc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941 Bác đã triệu tập và chủ trì cuộc họp Trung ương Đảng lần thứ VIII ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng. Hội nghị đã biểu quyết thành lập: Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã chuyển hướng cách mạng Việt Nam sang một cục diện mới.


Hình ảnh Bác Hồ lần về thăm quê ở Nam Đàn, Nghệ An..(Ảnh TL)

Năm 1959, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc được 5 năm, ngày 27 tháng 02 năm ấy Bác Hồ thay mặt Đảng và Nhà nước ta sang thăm đất nước Indonesia. Khi nhận bằng tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Pátgiagiaran tại thành phố lịch sử Băngđung, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ và sinh viên, Người đã tóm tắt quá trình học tập từ trường học cuộc đời của Người như sau: “Tôi sẽ nói vài lời với các bạn! Khi còn trẻ tôi không có dịp đến trường đại học. Tôi đã đi du lịch và đã làm việc, đó là trường Đại học của tôi, đó là trường học của tôi… Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó đã dạy cho tôi cách yêu, cách ghét: Yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình và căm ghét áp bức, ích kỉ…

Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học quân sự. Với gậy tầm vông, nhân dân đã đánh bại quân đội đế quốc Pháp và đã giành tự do với chiến thắng Điện Biên Phủ…” (Theo Tiến sĩ Roeslan Abdulgani, Chủ tịch nhóm cố vấn của Tổng thống về hệ tư tưởng của Nhà nước Indonesia, Hồ Chí Minh nhà chiến lược quân sự thiên tài, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 622).

Vào những năm đầu của thế kỉ XX, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thức rõ bản chất xảo quyệt của chủ nghĩa đế quốc ở các thuộc địa nhất là ở Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước, truyền thống đó đã thấm đẫm trong tư duy của Bác Hồ đối với dân tộc.

Trong một bài thơ, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời/ Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa…”. Thật đúng như vậy! Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất trân trọng các chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Đình Phùng, nhưng chí hướng và tính khoa học để làm cách mạng của các chí sỹ yêu nước đó thì Bác Hồ không thể áp dụng vào điều kiện cụ thể để làm cách mạng ở Việt Nam. Chính tầm nhìn và tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ của Bác đã thúc giục Bác ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Trong những năm bôn ba ở nước ngoài từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Người không ngừng tự học và làm việc để sống. Người đã sớm tìm ra sự tiến bộ của những cuộc cách mạng ở châu Âu và trong nhãn quan của Bác Hồ: Chỉ có giai cấp công nông dựa vào liên minh của các lực lượng, một dân tộc mà toàn dân đứng lên đánh giặc thì không có sức mạnh nào thắng nổi. Chính vì tầm nhìn sâu rộng đó mà Bác đã sớm đến với chủ nghĩa Mác – Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Trong giai đoạn của lịch sử lúc bấy giờ, Chủ nghĩa đế quốc đang hoành hành ở chính quốc và các thuộc địa, nhất là các nước Đông Nam Á. Tuy đang ở xa Tổ quốc Việt Nam nhưng Bác Hồ luôn hướng về quê hương, Bác đau khi nhân dân Việt Nam đang bị đau khổ với sự bóc lột thậm tệ của thực dân Pháp. Trên các diễn đàn của quốc tế, Người đã “lớn tiếng” lên án Chủ nghĩa đế quốc, kịch liệt phê phán thực dân Pháp đang giày xéo trên Tổ quốc mình và Người đã rút ra một kết luận: Chỉ có Chủ nghĩa Mác - Lê nin là kim chỉ nam soi sáng cho con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.

Năm 1960, nhân kỉ niệm 90 năm ngày sinh VI. Lenin, trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “… Kìa mặt trời Nga bừng chói ở Phương Đông…”, “… Luận cương đến Bác Hồ và người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê nin”, “… Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/ Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi/ Hình của Đảng lồng trong hình của nước/ Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười…”, “…Ôi! Đường đến với Lê nin là đường về Tổ quốc…” và thực sự Bác đã về với Tổ quốc.

Sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, năm 1941 Bác đã về với Tổ quốc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941 Bác đã triệu tập và chủ trì cuộc họp Trung ương Đảng lần thứ VIII ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng. Hội nghị đã biểu quyết thành lập: Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã chuyển hướng cách mạng Việt Nam sang một cục diện mới.

Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội Việt Nam, không phân biệt đảng phái, giàu nghèo, màu da, miền xuôi hay miền ngược, giai cấp, … hễ là người Việt Nam yêu nước hãy cùng nhau đứng lên chiến đấu để giải phóng dân tộc “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Mặt trận Việt Minh ra đời đã tổng hợp được ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là nền tảng vững chắc để thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh sau này. Với thiên tài thao lược quân sự, Bác Hồ đã lãnh đạo và xây dựng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã trở thành lực lượng quân sự hùng hậu.

Từ một dân tộc “Không một tấc sắt trong tay” đã làm nên Cách mạng tháng 8 vĩ đại khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Và chính đội quân chủ lực đó là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc Việt Nam. Và sau này đội quân đó đã trưởng thành nhanh chóng cùng với toàn thể nhân dân Việt Nam đánh bại đội quân viễn chinh của Mỹ Ngụy giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, chấm dứt chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Nhìn lại tiến trình đi lên của cách mạng Việt Nam, nhất là trong giai đoạn đổi mới hiện nay, Đảng ta, nhân dân ta có quyền tự hào được sống trong kỷ nguyên mới: Đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tự hào hơn nữa là những di sản quý giá mà Bác Hồ đã để lại cho chúng ta. Trong những di sản quý giá đó có đường lối chiến tranh nhân dân, vận dụng giá trị của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp đổi mới đất nước.

Sự ra đời của các tổ chức chính trị, quân sự trong suốt chiều dài của lịch sử cách mạng Việt Nam, thể hiện trí tuệ thiên tài của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu. Mỗi một tổ chức, một hội, một mặt trận, đều có ý nghĩa chiến lược của từng thời kì lịch sử. Thanh niên cách mạng đồng chí hội hay gọi một cách khác là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành lập năm 1925; Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam thành lập năm 1946; Mặt trận Liên Việt thành lập năm 1951; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập năm 1955; Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập năm 1960; Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam thành lập năm 1969...

Tất cả đã trở thành những mốc son chói lọi! Là tinh hoa của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân mà Bác Hồ là người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến ngày thắng lợi. Và: “… Nước Việt Nam ngàn năm Đinh, Lý, Trần, Lê/ Thành nước Việt Nam nhân dân trong mát suối/ Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói/ Những đời thường cũng có bóng hoa che…”.

Dương Chí Sỹ

  • Tags: