TP.HCM: Thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, chống ngập

12/07/2022 1:37:30 CH
Share Bai :

MTXH - Hai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khó hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn và khu vực Tham Lương – Bến Cát

Tại Kỳ họp thứ 6, Khóa X, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước Tham Lương - Bến Cát và Tây Sài Gòn, làm cơ sở trình Thủ tướng quyết định. Cả hai công trình đều sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trong đó, Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư 8.121,4 tỷ đồng trong đó, vốn vay ưu đãi 6.961,2 tỷ đồng; vốn đối ứng là 1.160,2 tỷ đồng dự kiến từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách thành phố.

Kênh Tham Lương đoạn chảy qua quận 12. Ảnh Vnexpress

Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát có tổng vốn thực hiện 8.168 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ưu đãi 6.678 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại 116 tỷ đồng và vốn đối ứng 1.374 tỷ đồng dự kiến cân đối từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách thành phố.

Cả hai công trình dự kiến thực hiện từ năm 2023 và hoàn thành sau 5 năm. Việc sử dụng các nguồn vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng được phân kỳ theo 2 giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2028. Mục tiêu của các dự án nhằm cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, giảm ô nhiễm môi trường, ngập nước cho lưu vực, cải thiện cảnh quan môi trường. Quy mô dự kiến sẽ xây dựng hệ thống thoát nước, dẫn nước thải đến nhà máy xử lý nước thải cùng một số hạng mục dọc theo hệ thống thoát nước.

Trước khi diễn ra kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X, cử tri đã gửi nhiều tâm tư khi mỗi năm TP.HCM dùng số tiền lớn để chống gạp nhưng tình hình vẫn nghiêm tọng. Đồng thời, cử tri cũng phàn nàn về tình trạng ô nhiễm môi trường làm chất lượng cuộc sống của người dân giảm sút. Theo đó, tại Kênh Tham Lương - Bến Cát có chiều dài hơn 20 km, là một phần của hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật, rạch Nước Lên, chảy qua địa bàn các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, 12, Gò Vấp... Nhiều năm nay, tuyến kênh này bị ô nhiễm trầm trọng, gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Cử tri cũng điểm tên những công trình, dự án chậm tiến độ, đề nghị nếu không thực hiện được thì xóa quy hoạch, thu hồi, hủy bỏ dự án. Ở huyện Củ Chi, đó là dự án Khu công nghiệp Đông Nam ở xã Hòa Phú, xã Bình Mỹ đã thực hiện 13 năm qua, nhưng người dân chưa được tái định cư; vòng xoay Quốc lộ 22 - Nguyễn Thị Rành kéo dài hơn 20 năm; dự án mở rộng Khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 kéo dài gần 20 năm; tại quận Bình Thạnh là dự án bán đảo Thanh Đa kéo dài trên 30 năm, dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm….

Theo tính toán của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố cần hơn 100.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm về chống ngập, cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, vốn ngân sách thành phố hơn 31.400 tỷ đồng, còn lại các nguồn vốn khác từ Trung ương, xã hội hóa, ODA.

Hiện TP.HCM còn 15 tuyến đường chính thường xuyên ngập nước do mưa, gồm: Nguyễn Hữu Cảnh, Bàu Cát, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1A, Phan Anh, Hồ Học Lãm. Bên cạnh đó, có 4 tuyến đường thường xuyên ngập nước do triều cường, gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50.

Theo đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, ngập nước tại TP.HCM ngoài các nguyên nhân biến đổi khí hậu, dân số tăng, đô thị hóa nhanh còn do triển khai các dự án chống ngập chậm, mới chỉ đạt khoảng 46% theo quy hoạch tổng thể thoát nước ở thành phố.

Hà Dũng