Thực trạng và giải pháp trong công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

13/12/2023 8:27:59 CH
Share Bai :

Trong những năm gần đây, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) một huyện trung du miền núi có sự phát triển tích cực. Một trong những yếu tố quyết định tạo sự tăng trưởng là nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước vào xây dựng cơ bản.

Mặc dù công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương đạt được nhiều kết quả khả quan, song còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Bài viết phân tích thực trạng, hạn chế trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Phú Bình và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý nguồn vốn này.

Ảnh: Một góc trung tâm huyện Phú Bình

Thực trạng quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản và công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn đầu tư XDCB từ ngân sách nhà nước của huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên,

Hàng năm, dựa vào tiến độ dự án và mục tiêu thực hiện dự án, các đơn vị giao chủ đầu tư lập kế hoạch vốn đầu tư gửi UBND huyện, phòng Tài chính-Kế hoạch là cơ quan tổng hợp. Căn cứ vào cơ sở thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm trước, khả năng về nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) và nhu cầu vốn đầu tư đối với công trình năm tới, UBND huyện giaio cho phòng Tài chính- Kế hoạch xây dựng phương án phân bổ vốn đầu tư XDCB năm kế hoạch trình HĐND Huyện phê duyệt, sau đó phân bổ vốn cho các chủ đầu tư để thực hiện kế hoạch vốn theo quy định.

Công tác lập kế hoạch và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư XDCB từ NSNN là một vấn đề quan trọng, vì đây là nguồn lực rất quan trọng, việc phân bổ là một khâu trọng yếu trong một chuỗi công việc quản lý và sử dụng. Để đạt được hiệu quả cao nhất người ta đã xây dựng thành nguyên tắc, quy trình, mục tiêu và cách thức dành riêng cho quản lý NSNN nói chung và XDCB nói riêng. Bảng dự toán chi ngân sách của huyện Phú Bình giai đoạn 2020 - 2022:

Nội dung chi

2020

2021

2022

So sánh

Bình quân 3 năm

(tr.đ)

Giá trị

(tr.đ)

Tỷ trọng

(%)

Giá trị

(tr.đ)

Tỷ trọng

(%)

Giá trị

(tr.đ)

Tỷ trọng

(%)

2021/

2020

(%)

2022/

2021

(%)

I. Chi đầu tư phát triển

112.022

25,89

25.230

7,05

99.418

22,21

22,52

394,05

45.759

II. Chi thường xuyên

273.711

63,27

289.150

80,84

301.245

67,30

105,64

104,18

187.641

III. Chi chuyển nguồn sang năm sau

28.947

6,69

25.461

7,12

28.561

6,38

87,96

112,18

18.138

IV. Chi quản lý qua ngân sách

17.941

4,15

17.841

4,99

18.412

4,11

99,44

103,20

11.929

Tổng số chi

432.621

100,00

357.682

100,00

447.636

100,00

82,68

125,15

263.468

Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Bình

Công tác thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Do cơ chế kiểm soát thanh toán, chính sách quản lý vốn đầu tư được sửa đổi, bổ sung theo hướng tích cực, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư XDCB được tiếp tục hoàn thiện nên cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, tỷ lệ vốn giải ngân của dự án XDCB từ NSNN đến 31 tháng 01 năm sau. Do áp dụng những biện pháp linh hoạt trong kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB bằng nguồn vốn NSNN nên tình hình giải ngân so với kế hoạch vốn của huyện Phù Bình đã được cải thiện đáng kể, hạn chế bớt tình trạng vốn chờ công trình. Tình hình thanh toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN của huyện Phú Bình giai đoạn 2020 - 2022.

 Năm

Kế hoạch năm (tr.đ)

Kết quả giải ngân vốn đến 31/12 (tr.đ)

Tỷ lệ đạt

(%)

Vốn đầu tư còn tồn chuyển sang năm sau (Tr.đ)

2020

112.022

97.845

87,3

14.177

2021

25.230

25.230

100,0

-

2022

99.418

48.264

48,5

51.154

Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Bình

Theo quy định của Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính, đối với các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách huyện quản lý thì công tác thẩm tra quyết toán các dự án sẽ do Phòng Tài chính- Kế hoạch cấp huyện thực hiện, năm 2020, có 38 dự án đề nghị quyết toán, thì có 28 dự án được quyết toán. Năm 2021, có 18 dự án để nghị quyết toán thì có 15 dự án được để nghị quyết toán và năm 2022 có 32/45 dự án được quyết toán. Như vậy có thể thấy, số dự án chưa quyết toán hàng năm trên địa bàn huyện có sự tăng giảm, với tỷ lệ dự án chưa được quyết toán/tổng dự án đề nghị quyết toán của giai đoạn 2020 -2022 là 25,7%

Theo quy định khi các đơn vị thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành theo quy định, song chưa có sự ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan khác như Phòng Tài chính- Kế hoạch, nhà thầu, đơn vị sử dụng công trình khi hoàn thành. Nên hầu hết các dự án đều được thanh toán hết theo khối lượng hợp đồng ban đầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công công trình. Trong một số trường hợp chủ đầu tư hợp đồng với nhà thầu quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nhưng không quy định rõ trách nhiệm trong việc lập hồ sơ quyết toán, nên việc hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan như: hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, lập hồ sơ quyết toán theo quy định.

Công tác lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB các dự án công trình hoàn thành thuộc nguồn vốn NSNN của huyện Phú Bình đã có nhiều tiến bộ, đạt kết quả hơn cả về số lượng và chất lượng cụ thể như sau: Kết quả thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành

Chỉ tiêu

ĐVT

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Tổng

Số dự án thẩm tra quyết toán

Dự án

28

15

32

75

Giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán

Tỷ đồng

138,5

126,0

168,5

433

Giá trị quyết toán được phê duyệt

Tỷ đồng

134,4

122,5

158,7

415,6

Giảm so với giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán

Tỷ đồng

-4,1

-3,5

-9,8

-17,4

Tỷ lệ giá trị quyết toán so với giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán

%

97,04

97,22

94,18

 

Nguồn: Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Phú Bình

Kiểm tra, giám sát vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước

Hàng năm UBND huyện giao cho các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng công trình và kế hoạch giám sát, đánh giá quản lý vốn đầu tư. UBND huyện Phú Bình đã thành lập tổ kiểm tra, đôn đốc giám sát để đẩy nhanh tiến độ gắn với nâng cao chất lượng xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như: Dự án Đường nối Quốc lộ 37 đến cầu vượt sông Cầu (Đoạn Km0+00 - Km1+300) và (Đoạn từ Km1+300 - Km2+268,86); Dự án Quảng trường trung tâm huyện Phú Bình...

Kết quả chủ yếu qua thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động quản lý vốn NSNN đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng quy định, tuân thủ quy trình lập kế hoạch, giao kế hoạch đúng định mức, tổ chức thực hiện theo quy định và bàn giao công trình đưa vào sử dụng kịp thời phát huy hiệu quả đầu tư. Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện ra một số sai phạm trong quá trình thực hiện.

Đánh giá về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước

Kết quả đạt được

Quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN của huyện Phú Bình trong những năm gần đây đạt kết quả tích cực. Cụ thể như sau:

- Lập và giao kế hoạch vốn đều căn cứ vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Huyện để xây dựng kế hoạch cho phù hợp.

- Thanh toán và kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB được thực hiện kịp thời và đúng quy định. Việc kiểm soát chi tại KBNN Huyện được quan tâm, qua đó kịp thời phát hiện sai sót và xử lý giảm chi so với đề nghị của chủ đầu tư

- Quyết toán công trình từng bước được nâng cao, Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện và Kho bạc NN Phú Bình phối hợp chặt chẽ, thông qua kiểm tra, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư đã phát hiện, tiến hành giảm trừ thanh toán các khoản chi không đúng quy định. Việc thẩm tra, quyết toán vốn đầu tư được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về quyết toán vốn đầu tư, đảm bảo đúng quy trình và thời gian. Chất lượng thẩm tra, quyết toán vốn công trình được KBNN Huyện thực hiện.

- Hoạt động giám sát, thanh tra quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN đã được tăng cường. Qua công tác thanh tra đã đánh giá và chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý vốn đầu tư XDCB của cơ quan chuyên môn cùng những sai phạm của chủ đầu tư cũng như nhà thầu.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đầu tư XDCB nói chung và công tác quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN của huyện Phú Bình nói riêng vẫn còn một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, đối với việc lập kế hoạch vốn đầu tư XDCB từ NSNN. Kế hoạch phân bố vốn còn mang tính ngắn hạn, một số dự án đầu tư, quyết định đầu tư còn chưa phù hợp với khả năng cân đối của địa phương, cơ cấu phân bổ vốn chưa hợp lý. Kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án còn dàn trải và kéo dài, không đảm bảo thời hạn để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ; công trình chậm đưa vào khai thác sử dụng làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong quá trình thực hiện một số dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh so với ban đầu nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện bố trí vốn theo quy định dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện.

Thứ hai, công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN. Việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm, gặp một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, hoàn chỉnh hồ sơ làm căn cứ thanh toán của chủ đầu tư cũng chậm.

Thứ ba, công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Tình trạng chậm quyết toán vốn đầu tư XDCB, tồn đọng quyết toàn còn nhiều. Năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư còn hạn chế, chậm trễ trong giải quyết các vướng mắc khi lập báo cáo quyết toán và thiếu kiểm tra, đôn đốc của cơ quan chức năng đầu ngành (cơ quan Tài chính), thái độ xử lý vi phạm chưa cương quyết. Năng lực, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ thực hiện thẩm tra, quyết toán vốn đầu tư chưa đồng đều…

Thứ tư, công tác giám sát, thanh tra. Công tác này chưa toàn diện, đầy đủ, chế tài xử phạt chưa nghiêm, nên chưa thực sự phát huy được hiệu lực trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong hoạt động quản lý, chưa đánh giá được hiệu quả của vốn đầu tư.

Nguyên nhân của những hạn chế trong quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan:

Nguyên nhân chủ quan

Công tác quy hoạch tại tuy được quan tâm nhưng chưa được đầu tư nguồn vốn thỏa đáng. Một số quy hoạch trước đây đã được phê duyệt hiện nay không phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, chất lượng một số quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tầm nhìn các quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác kiểm tra, giám sát công trình chưa được tổ chức thường xuyên. Nhiều chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với các đơn vị thi công trong việc nghiệm thu khối lượng, thiếu khẩn trương trong quyết toán hạng mục công trình, đang có xu hướng dồn vào nghiệm thu một lần, gây khó khăn cho việc giải ngân của KBNN.

Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn chưa thường xuyên liên tục và thực hiện chưa nghiêm. Thiếu chế tài đủ mạnh đối với các hành vi phê duyệt quy hoạch sai.

Cơ chế phân công, phân cấp trong quản lý đầu tư XDCB còn nhiếu bất cập, chưa rõ người, rõ việc; các thủ tục hành chính liên quan còn rườm rà, chưa được mẫu hóa triệt để.

Nguyên nhân khách quan

Chế độ chính sách thường xuyên sửa đổi khiến chủ đầu tư phải dành nhiều thời gian điều chỉnh, bổ sung dự toán dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân thanh toán vốn; đồng thời cũng tạo ra những kẽ hở cho một số chủ đầu tư và nhà thầu lách luật đẩy giá trị dự toán và thanh, quyết toán lên cao.

Việc phân cấp trong quản lý nguồn vốn cũng như quyết định đầu tư chưa rõ ràng, còn nặng cơ chế xin cho; nguồn lực vốn đầu tư XDCB còn phân tán.

Năng lực của các đơn vị tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, một số công trình lớn trên địa bàn Huyện thuê các đơn vị tư vấn có năng lực cao khảo sát, lập dự án, thiết kế công trình, còn hầu hết các công trình của Huyện do các đơn vị tư vấn tại địa phương thực hiện theo chủ trương khuyến khích phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn Huyện. Năng lực đội ngũ cán bộ tư vấn còn chưa cao; nhiều dự án, thiết kế phải thay đổi bổ sung nhiều lần làm giảm hiệu

Một số giải pháp đề xuất

Căn cứ vào thực trạng quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN tại huyện Phú Bình, cũng như những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra như trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Thứ nhất, lập kế hoạch vốn ĐTXDCB từ NSNN.

Cần căn cứ vào những kết quả đánh giá khách quan, khoa học và chính xác đối với thực trạng đầu tư XDCB, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn trước chi tiết đến từng ngành từng lĩnh vực. Tập trung làm tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch. Nâng cao chất lượng và tính khả thi các dự án quy hoạch; lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện công tác quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý sau quy hoạch của các cơ quan quản lý nhà nước, phối hợp quản lý chặt chẽ giữa quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ.

Thực hiện đúng nguyên tắc không bố trí kế hoạch vốn đầu tư XDCB cho các dự án chưa được phê duyệt hoặc phê duyệt sau ngày 31/10 của năm trước (trừ các dự án đặc thù, cấp bách) để yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy trình quản lý vốn đầu tư. Tăng cường phối hợp giữa phòng Tài chính- Kế hoạch, phòng Kinh tế và Hạ tầng, các phòng ban, chủ đầu tư trong phân bổ kế hoạch vốn đầu tư XDCB hàng năm, đảm bảo khả thi, tránh điều chỉnh nhiều lần.

Thứ hai, về thanh toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư trong thanh toán vốn đầu tư cho các dự án đầu tư theo kế hoạch năm. Tránh tình trạng nhiều dự án dù đã đủ điều kiện nhưng không triển khai thực hiện ngay mà đến cuối năm mới khởi công và nhiều công trình đã có khối lượng thực hiện nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công không hoàn tất thủ tục để thanh toán, dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn ở cơ quan cấp phát thanh toán. Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán ngay khi có khối lượng công trình hoàn thành, tránh tập trung thanh toán vào những tháng cuối năm gây khó khăn cho cơ quan thanh toán, kiểm soát vốn đầu tư XDCB.

Thứ ba, quyết toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN.

Huyện cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ quyết toán đối với các công trình hoàn thành để phòng ban chuyên môn tiến hành thẩm tra quyết toán nhằm khắc phục tình trạng chậm quyết toán các công trình. Các công trình hoàn thành đến đâu quyết toán dứt điểm đến đó. Đối với những công trình còn tồn đọng từ trước, Huyện cần có kế hoạch tập trung thời gian và lực lượng để quyết toán dứt điểm.

Trong thẩm tra quyết toán, cán bộ phụ trách quản lý phải nâng cao chất lượng thẩm tra hơn là đẩy nhanh thời gian thẩm tra, số lượng dự án thẩm tra. Trong những trường hợp cần thiết, thì phải đi đến hiện trường kiểm tra thực tế đối với các khối lượng nghi ngờ, hồ sơ thể hiện không đầy đủ.

Thứ tư, kiểm tra, giám sát vốn đầu tư XDCB từ NSNN.

Tăng cường hoạt động giám sát của HĐND huyện theo hướng: Có kế hoạch giám sát thường xuyên hàng năm theo nhiệm kỳ HĐND; kết hợp giám sát định kỳ với giám sát đột xuất đối với một số dự án trọng điểm; giám sát hoạt động tại các dự án đầu tư trong những trường hợp cụ thể nhằm tạo ra yêu cầu, áp lực cao cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư xây dựng nhằm phát hiện, điều chỉnh những sai phạm trong quá trình quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng để đảm bảo hiệu quả cao. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đầu tư xây dựng phải được thực hiện ở tất cả các giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, dự án hoàn thành tới khi đưa vào khai thác sử dụng, tiến hành thanh tra, kiểm tra ở tất cả các lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Tài liệu tham khảo:

- Chính phủ (2014), Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

- Chính phủ (2020), Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

- Chính phủ (2021),  Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

- Chính phủ (2021), Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

- Quốc hội (2013), Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013.

- Quốc hội (2003), Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003.

- Quốc hội (2015), Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13.

- Quốc hội (2019), Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019.

- Quốc hội (2020), Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020.

- Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 quy định quyết toán đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước;

- Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 210/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng;

- Bộ Xây dựng (2021) Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

- Phan Huy Đường (2010), Quản lý nhà nước về kinh tế, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

Nguyễn Bạch Nguyệt (2012), Giáo trình Lập và quản lý dự án đầu tư, Hà Nội, Nhà xuất bản đại học kinh tế quốc dân.

- Nguyễn Bạch Nguyệt và Từ Quang Phương (2012) Giáo trình Kinh tế đầu tư. Hà Nội, Nhà xuất bản đại học kinh tế quốc dân.

- Nguyễn Thị Bình (2012), Luận án tiến sĩ, Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với đầu tư xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách trong ngành giao thông vận tải Việt Nam, Đại học Kinh tế Quốc dân.

- Từ Quang Phương (2014), Quản lý dự án, NXB kinh tế quốc dân, Hà Nội

- UBND huyện Phú Bình (2020 -2022), Báo cáo tình hình giải ngân đầu tư công huyện Phú Bình giai đoạn 2020 - 2022.

Tác giả Nguyễn Việt Vĩ - Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Bình

  • Tags: