Cần nâng cao trách nhiệm quản lý, xử lý các vấn đề vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường của chính quyền cấp xã

31/05/2022 11:21:41 CH
Share Bai :

Trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động xả thải, bảo vệ môi trường (BVMT) ở cơ sở còn nhiều bất cập hạn chế, không kiểm soát kịp thời các nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường. Hạn chế về năng lực, đặc biệt là sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện công tác BVMT của chính quyền cấp xã là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên.

Ảnh thực trạng các bãi rác tập trung quá tải gây ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa)

Trong điều kiện công tác BVMT ngày càng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, yêu cầu về môi trường trong thương mại quốc tế, hội nhập ngày càng cao... đặt ra yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác BVMT của các cấp chính quyền, trong đó có trách nhiệm của chính quyền cấp xã. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nhiều biện pháp nâng cao trách nhiệm năng lực của cán bộ, lãnh đạo cấp xã trong công tác BVMT.

Thực trạng gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn

Cuộc sống vật chất của người dân nông thôn càng đi lên thì môi trường nông thôn càng bị xuống cấp nghiêm trọng. Rác thải hòa tan, các trang trại chăn nuôi bốc mùi hôi thối, nước thải xả thẳng ra môi trường làm các dòng sông đen kịt. Đất đai, nguồn nước cũng bị ô nhiễm do bị lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng. Đó là một vấn nạn gây ô nhiễm môi trường và thoái hóa đất đai mà không thể giải quyết được ngay chỉ một sớm một chiều.

Thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay, nhiều nơi ao, hồ không thể nuôi cá, tầng nước mặt và nước giếng khơi cũng không thể dùng sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ được. Thậm chí nhiều nơi nguồn nước ngầm cũng cần phải cảnh giác khi dùng, bởi nó chứa nhiều tác nhân gây hại cho con người. Môi trường nông thôn đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm không kém gì so với các khu vực ở đô thị. 

Các công trình xử lý nước thải của các trang trại heo hoạt động không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường

Theo Khoản 3, Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Có hiệu lực từ 01/01/2022) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó:

Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

- Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; tiếp nhận đăng ký môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;

- Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

- Truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn cộng đồng dân cư trên địa bàn đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa;

- Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

- Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức thu thập thông tin về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

Thế nhưng trên thực tế nhiều đơn vị chính quyền cấp xã còn lúng túng trong công tác xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, nhiều đơn vị UBND xã chưa nắm được căn cứ pháp luật để xử lý theo quy định, không kịp thời tiến hành tham mưu, chuyển hồ sơ lên các cấp cao hơn để xử lý triệt để tình trạng vi phạm về môi trường. Thay vào đó là lập biên bản hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường qua loa, xử lý bằng hình thức tuyên truyền nhắc nhở không đúng với quyền hạn và trách nhiệm của mình. Dẫn đến các doanh nghiệp cơ sở còn thờ ơ, coi thường các chế tài xử lý của nhà nước.

Hình ảnh xả thải vỏ chanh dây trực tiếp ra môi trường của các doanh nghiệp chế biến nông sản

Bảo vệ môi trường – Sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước và mọi người dân

Trong bối cảnh môi trường ngày càng báo động, sự chung tay của các ngành, các cấp, các cơ quan truyền thông và mọi người dân là điều vô cùng quan trọng để chúng ta cùng nhau đẩy lùi những bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường, thực hiện các quan điểm, mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đưa đất nước ta phát triển một cách bền vững.

Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và ban hành các chính sách, cũng như các chế tài để răn đe, xử lý khi xảy các hành vi vi phạm về công tác bảo vệ môi trường. Chính sách phải tốt, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội thì mới đi vào được cuộc sống. Đồng thời các chế tài được ban hành cũng phải đảm bảo các chính sách được thực thi hiệu quả, đảm bảo tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân có ý định thực hiện các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Đây đều là những cơ sở quan trọng để công tác bảo vệ môi trường đạt được hiệu quả cao.

Một lần nữa mong các cơ quan chức năng cần vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt để xử lý các hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật để mang lại môi trường xanh sạch đẹp cho mọi người.

Vũ Thị Thu Trang

PCT. HĐQT Công ty Cổ phần Bảo tồn và phát triển di sản Toàn Cầu