Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh): Đánh thức vùng đất ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch văn hóa

19/06/2021 4:37:16 CH
Share Bai :

MT&XH- Trong định hướng phát triển chiến lược của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, thị xã Hồng Lĩnh được xác định là hạt nhân, gắn với thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía Bắc của tỉnh.


Chùa Hang được xây dựng trên nền tảng tự nhiên là một hang động nhỏ, nằm mé sườn tây của đỉnh núi Mồng Gà, thuộc dãy núi Hồng Lĩnh.

Hồng Lĩnh được coi là hạt nhân đô thị phía Bắc của tỉnh, chính vì vậy, trong các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, lãnh đạo chính quyền luôn chú trọng phát triển theo hướng đô thị. Nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu bình quân hằng năm đạt 8,7%; cơ cấu các ngành kinh tế chủ yếu chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 60 triệu đồng/năm (tăng 21 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ).


Chùa Đại Hùng là một trong 4 ngôi cổ tự bao gồm (Thiên Tượng- Long Đàm – Đại Hùng- Cực Lạc) theo sử sách chép lại thì Chùa được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần

Trong đó, ngành công nghiệp từng bước trở thành động lực chủ yếu của sự phát triển. Trong nhiệm kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân hằng năm tăng 11,3%; thu hút đầu tư vào lĩnh vực CN-TTCN đạt kết quả khá.

Ngoài ra, thị xã Hồng Lĩnh cũng được đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, Hồng Lĩnh đã thu hút 02 dự án với tổng mức đầu tư 608,2 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng số vốn thu hút đầu tư của tỉnh.


Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười, nằm ở tổ dân phố Hầu Đền, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, là một trong những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng tại vùng đất dưới chân Núi Hồng

Hồng Lĩnh vùng đất xưa được biết đến là “địa linh nhân kiệt”, với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca bất tử, tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí quật cường của mảnh đất, con người nơi đây. Song hôm nay, đến với thị xã Hồng Lĩnh, chúng ta lại có thêm một cảm nhận mới, đó là vùng đất ẩn chứa tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh. Mỗi địa danh làng xã, mỗi con đường, ngọn núi đều là điểm đến du lịch.


Đại lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương thu hút hàng vạn người đến tham dự, thắp hương, vãn cảnh

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên dãy núi Ngàn Hống, thị xã Hồng Lĩnh sở hữu khá nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với 23 di tích đã được công nhận, hàng chục di tích đang được thống kê làm hồ sơ để xếp hạng. Các khu di tích lịch sử, công trình văn hóa nổi tiếng của Hồng Lĩnh từ lâu đã thu hút rất nhiều du khách, như: Khu Du lịch Suối Tiên - Thiên Tượng, Khu công viên trung tâm, Khu Di tích Lịch sử - văn hóa Đại Hùng, Đền Song trạng nguyên, Đền Đô Đài, Di tích Đền cả (Dinh đô quan Hoàng Mười), Chùa Thiên Tượng, chùa Hang, Làng Rèn truyền thống Vân Chàng - Trung Lương… Ngoài ra, Hồng Lĩnh còn có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc: Lễ hội Đền Đô Đài, Lễ hội Giổ tổ Hùng Vương – Tại Khu Di tích Đại Hùng, Lễ hội đua thuyền truyền thống Trung Lương,Lễ hội Đền Cả - Dinh Đô Quan Hoàng Mười…


Thị xã Hồng Lĩnh sẽ sớm trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh

Trong những năm qua, thị xã đã chú trọng kêu gọi xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp các di tích trên địa bàn. Được biết trong những năm gần đây tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh song Ban quản lý các di tích đã kêu gọi được hàng chục tỷ đồng để khôi phục, nâng cấp, tu bổ, tôn tạo; điển hình như Khu Di tích lịch sử, văn hóa Đại Hùng ở phường Đậu Liêu, đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười, khu Di tích Tiên Sơn ở phường Trung Lương; Khu di tích danh thắng chùa Hang, đền thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang ở phường Bắc Hồng… Hiện nay, trên địa bàn toàn thị xã đã có 6 CLB dân ca ví giặm, 1 CLB bảo tồn nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn thu hút được đông đảo các nghệ nhân và các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt, ngoài chính sách hỗ trợ của chính quyền còn được các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí hoạt động hàng năm. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn thường xuyên tuyên truyền nâng cao hiểu biết, ý thức trong bảo tồn di sản, thực hành văn hóa cho người dân.


Nhiều dự án lớn đang được triển khai tại thị xã Hồng Lĩnh

Nhận thức được điều đó và để đánh thức, khai thác tiềm năng, đưa Hà Tĩnh trở thành điểm du lịch ấn tượng, hấp dẫn đối với du khách, Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Đây là một trong những quyết sách quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển du lịch Hà Tĩnh, đưa việc phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và từng thời kỳ, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.

Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Huy Hùng, cho biết  cùng với xu thế phát triển du lịch, việc gắn kết phát triển văn hóa vùng là một trong những điều kiện tiên quyết cho phát triển du lịch văn hóa ở Hồng Lĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, du lịch. Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Đồng thời, Tập trung tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về thị xã Hồng Lĩnh và du lịch tâm linh Hồng Lĩnh. Ngoài ra, Thị xã đã xây dựng Đề án tham mưu và đề xuất UBND tỉnh nâng cấp Lễ hội giỗ tổ Hùng Vương lên quy mô cấp tỉnh; công nhận Di tích Đền Cả và Khu Di tích văn hóa lịch sử Đại Hùng là điểm du lịch cấp tỉnh. Lãnh đạo Thị xã đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh. Tập trung huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các công trình Chùa, Đền trên địa bàn, như Chùa Đại Hùng, Chùa Thiên Tượng, Chùa Long Đàm, Chùa Hang, Đền đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ....Đầu tư, bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn. Hàng năm, chính quyền thị xã tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động văn hóa tâm linh ở các Chùa, Đền, di tích lịch sử.”

Du lịch văn hóa tâm linh đang trở thành xu thế chủ đạo trong việc phát triển của ngành du lịch, nhằm khai thác tiềm năng di sản văn hóa. Đối với một địa phương giàu tiềm năng di sản như Hà Tĩnh, sự nhận thức đúng về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và hoạt động du lịch sẽ tạo nên sự tương tác tích cực giữa bảo tồn và phát triển, văn hóa và du lịch trong phát triển bền vững. Khai thác và phát huy di sản văn hóa phải được coi là một nguồn tài nguyên tạo nền móng cho hoạt động du lịch phát triển bền vững. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải gắn với việc phát triển du lịch bền vững, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Dương Xuân Lộc

  • Tags: