Năng lượng sạch Việt Nam: Tiềm năng lộng gió

04/05/2021 11:53:53 SA
Share Bai :

MT&XH - Với lợi thế đường bờ biển dài, tốc độ gió cao, cùng một dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới đang được xây dựng. Việt Nam được đánh giá là “người hùng điện gió" mới và sẽ sớm vươn lên dẫn đầu lĩnh vực khai thác điện gió ở Đông Nam Á.

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang tăng theo tốc độ tăng trưởng. Ngày càng xuất hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, do hạn chế trong truyền tải điện, một số dự án năng lượng tái tạo đóng băng, đồng nghĩa với việc phải nhập khẩu điện và ô nhiễm môi trường tiếp tục tăng cao từ các nhà máy nhiệt điện. Đây là bài toán đặt ra với Chính phủ nhằm tìm ra phương án hiệu quả khai thác nguồn năng lượng tái tạo.

Việt Nam phát triển thành công nhiều dự án năng lượng mặt trời với hơn 100 dự án đã kí hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng công suất hiện tại của các nhà máy điện mặt trời đã đưa vào vận hành xấp xỉ 6.000MW, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Nam, cụ thể là Nam Trung Bộ. Ninh Thuận và Bình Thuận là hai tỉnh tập trung nhiều dự án, chiếm tới hơn 42%. Với nhiều lợi ích mang lại cho Chính phủ cũng như cộng đồng, điện mặt trời áp mái đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm.

Hệ thống năng lượng mặt trời.

Theo báo cáo của MDI, năng lượng sạch ngày càng có vị trí vững chắc hơn và được coi là ngành có tiềm năng lợi nhuận, định hướng phát triển tốt. Điện khí cũng đang được chú trọng phát triển, trong khi nhiệt điện than không còn là lĩnh vực được ưu ái phát triển tại Việt Nam.

Đặc biệt, các dạng năng lượng sạch như điện mặt trời hay điện gió ngày càng có đóng góp quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia và trở thành một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển năng lượng của đất nước. Nhiệt điện khí, nhất là điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, cũng là một lĩnh vực mới có tiềm năng phát triển. Hai kho cảng nhập khẩu khí đầu tiên đang được triển khai xây dựng và hàng loạt dự án nhà máy điện khí lớn đang được đề xuất đầu tư.

Với lợi thế đường biển dài hơn 3.200km và tốc độ gió trung bình ở biển Đông Việt Nam hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió ở Việt Nam có triển vọng rất lớn, nhất là vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các đảo.

 

Dự án phát triển năng lượng sạch.

Hiện nay, có chín nhà máy (trang trại) điện gió đang vận hành với tổng công suất 304,6MW, trong đó lớn nhất là trang trại điện gió Bạc Liêu với gần 100MW, nhỏ nhất là nhà máy điện gió Phú Quý 60MW nối lưới độc lập (không nối lưới điện quốc gia) trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), còn lại là 7 nhà máy điện gió quy mô công suất nhỏ dưới 50 MW.

Tính tới thời điểm hiện tại ở Việt Nam, nhiệt điện than và thủy điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất điện. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, đã đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Với tổng số giờ nắng cao lên đến hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là điều kiện tốt để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Quyết định này đặt mục tiêu nâng tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện quốc gia lên 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 53.2% vào năm 2030. Tỷ trọng nhiệt điện khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng được xác định chiếm dưới 20% tổng sản lượng điện cho đến năm 2030. Trong khi đó, điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng điện của cả nước. Nhưng thực tế triển khai quy hoạch lại cho thấy, nhiệt điện than đã bộc lộ những hạn chế nội tại của nó và ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của lĩnh vực.

Minh Thái

  • Tags: