Cà Mau được bổ sung 500 tỉ đồng để phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

17/10/2023 12:55:02 CH
Share Bai :

Tỉnh Cà Mau vừa được bổ sung 500 tỉ đồng để phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
 


Bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Theo đó, tỉnh Cà Mau cùng với các tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Long được bổ sung mỗi tỉnh 500 tỉ đồng; Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu mỗi tỉnh 300 tỉ đồng; Long An, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ 250 tỉ đồng; Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh mỗi tỉnh 200 tỉ đồng.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long bố trí vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm theo đúng quy định.

Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.

Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Theo quyết định của Thủ tướng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để đầu tư phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và thực hiện đầu tư dự án bảo đảm chất lượng, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo đúng quy định

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo không sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương được bổ sung trái mục đích (trong đó có việc chỉnh trang đô thị); thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; không được để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố định kỳ hằng quý, báo cáo kết quả phân bổ, giao và tổ chức thực hiện, giải ngân số vốn được bổ sung gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, theo dõi, báo cáo Thủ tướng. Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án; tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 được bổ sung chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định pháp luật; chịu trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả giải ngân vốn của các dự án.

Với trường hợp phát hiện phân bổ, sử dụng không đúng đối tượng quy định của Luật ngân sách Nhà nước, triển khai không đúng quy định, Thủ tướng chỉ đạo phải báo cáo để thu hồi về ngân sách Trung ương và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đó.

Theo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân.

UBND tỉnh Cà Mau đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh. Tỉnh Cà Mau ưu tiên các nhiệm vụ có tính cấp bách, kết hợp với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 13/7/2018 về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Kế hoạch số 156-KH/TU, ngày 27/5/2020 thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...

UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 3/10/2023 triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Trong đó, UBND tỉnh Cà Mau đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Cụ thể là tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; hỗ trợ, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi của tỉnh.

Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven biển có nguy cơ làm tăng rủi ro về sạt lở đất; hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo và cảnh báo kịp thời nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển. Tỉnh chú trọng việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, vật liệu mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; xây dựng các công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở.

Hoàng Ngọc

  • Tags: