Bến Tre: Đồng lòng đạt mục tiêu phát triển tôm công nghệ cao

19/09/2022 10:51:51 SA
Share Bai :

Với mục tiêu năm 2025 tỉnh Bến Tre sẽ phát triển 4000 ha nuôi tôm nước lợ công nghệ cao, UBND và Sở Nông nghiêp, Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre đang nổ lực khắc phục các khó khăn, thử thách để tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao ( CNC ) của bà con nông dân tỉnh Bến Tre.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Tỉnh Bến Tre xác định phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ công nghệ cao là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm; các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 01 năm 2025 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và đính hướng đến năm 2030, Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29 tháng 01 năm 2025 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030) cũng thể hiện rất rõ mục tiêu phát triển nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao.

Đoàn công tác UBND tỉnh Bến Tre khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại cơ sở Bảy An, xã An Điền, huyện Thạnh Phú.

Sự phối hợp và hỗ trợ của các ngành, địa phương; sự hợp tác của các doanh nghiệp và bà con nông dân ngày càng tốt hơn. Việc nuôi tôm áp dụng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả. Tuy nhiên thực tế người nuôi khó tiếp cận được hướng đầu tư sản xuất mới này. Nguyên nhân chủ yếu vốn đầu tư cao- đây không chỉ là vấn đề người nuôi quan tâm, mà còn là bài toán đặt ra đối với ngành có liên quan trong việc hỗ trợ kỹ thuật, mà quan trọng nhất là hỗ trợ nguồn vốn.

Ngoài nguồn vốn đầu tư ao nuôi, con giống, thức ăn, việc đầu tư trang thiết bị cho hoạt động nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cũng gặp khó vì đa phần hộ nuôi nhỏ lẻ, tài chính có hạn nên không thể đầu tư.

Bên cạnh đó hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản được quan tâm đầu tư, nhất là các vùng nuôi gặp khó khăn về hệ thống cấp thoát nước, hệ thống giao thông, điện phục vụ nuôi thủy sản.

Hiện nay, nghề nuôi tôm biển của tỉnh chưa hoàn toàn chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng, 60% lượng giống phải nhập từ các tỉnh ngoài.

Cơ sở hạ tầng vùng nuôi mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng với xu hướng phát triển như hiện nay thì trong thời gian tới sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là thủy lợi (kênh cấp, thoát nước chưa đảm bảo gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh), hệ thống điện ba pha đầu tư cho ngành tôm còn hạn chế,…

Đến nay toàn tỉnh chỉ có 01 nhà máy chế biến tôm với công suất thiết kế 5.000 tấn/năm, hiện tại chỉ có thể đáp ứng được 10% sản lượng tôm biển nuôi của tỉnh.

Cơ cấu tổ chức và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) còn nhiều hạn chế, nên sự gắn kết giữa những người nuôi với các khâu trong chuỗi giá trị (cung ứng vật tư đầu vào, thu gom chế biến, tiêu thụ) chưa chặt chẽ và thiếu bền vững.

Chi phí đầu tư nuôi tôm biển ứng dụng CNC lớn, trong khi nguồn lực của người nuôi còn yếu (rất ít người đủ điều kiện đầu tư phát triển theo hình thức nuôi tôm biển ứng dụng CNC) nhưng việc tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại còn gặp nhiều khó khăn do thiếu tài sản thế chấp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, để vượt qua khó khăn hiện tại tỉnh đang xây dựng chính sách tín dụng phù hợp, đảm bảo người nuôi có đủ vốn sản xuất; huy động và sử dụng tối đa hiệu quả của các nguồn vốn đầu tư, vốn vay theo cơ chế ưu đãi, phát huy cao các nguồn nội lực đồng thời tạo mọi điều kiện để tranh thủ khai thác các yếu tố, nguồn vốn từ bên ngoài (bao gồm vốn của trung ương, quốc tế, vốn của các địa phương...).

Ưu tiên bố trí nguồn vốn khoa học công nghệ hàng năm để đầu tư phát triển công nghệ hiện đại, nhất là hỗ trợ các dự án chuyển giao công nghệ kỹ thuật sản xuất giống, nuôi tôm ứng dụng CNC và chế biến tôm giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó là nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Trung ương (vốn ODA) để đầu tư hạ tầng các khu sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao tập trung; Ngành điện đầu tư công trình điện 3 pha; vốn cấp bù thủy lợi phí đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông; vốn doanh nghiệp, vốn dân, ngân hàng đầu tư công trình nuôi.

Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện nhiều chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật để thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án quan trọng. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các quy định hiện hành, chính sách về Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh tế trang trại, hỗ trợ liên kết sản xuất và chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Trần Phú

  • Tags: