Hưng Yên – Mảnh đất văn hiến

25/02/2021 7:16:21 CH
Share Bai :

MT&XH - Đến với Hưng Yên là đến với một thành phố chứa đựng cả bề dày và sự phong phú, độc đáo của một vùng văn hóa sông Hồng, với hơn 1.800 di tích và trên 400 lễ hội đã và đang được gìn giữ, bảo tồn khá bền vững mang đậm nét văn hóa bản sắc thuần Việt.

Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hưng Yên nằm liền kề với thủ đô Hà Nội là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Mặc dù là tỉnh tài nguyên rừng, núi và biển không có, nhưng ngược lại, chẳng mấy địa danh nào sở hữu được số lượng công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng cùng những phong tục truyền thống, vừa nổi bật về giá trị lịch sử, lại vừa đặc sắc về giá trị văn hóa như ở Hưng Yên. Và nhắc đến Hưng Yên sao có thể không nhắc đến dòng sông Hồng đỏ lặng phù sa gắn với câu chuyện tình “Chử Đồng Tử  - Tiên Dung”. Đó chính là những tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất phong phú đang được tỉnh Hưng Yên gìn giữ, lưu trữ đến bây giờ và trong tương lai.

Một trong những nét đặc sắc riêng trong đời sống văn hóa của người dân Hưng Yên, đó là bất kì thời điểm nào trong năm đến với Hưng Yên chúng ta cũng có thể thấy một không khí hân hoan, nhộn nhịp của những lễ hội gắn liền với những di tích lịch sử. Ở đây mỗi một công trình lịch sử, tín ngưỡng đều là những câu chuyện riêng, những bài học đắt giá của cha ông để lại. Mỗi một lễ hội lại mang một màu sắc, ý nghĩa riêng, đã tạo nên không gian văn hóa vừa đa dạng hình thức song cũng vô cùng đậm đà bản sắc.

Các di tích văn hóa - lịch sử ở vùng đất Hưng Yên phát triển dày đặc so với những địa phương ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng có thể kể tới: Phố Hiến phát triển trong 2 thế kỷ XVI và XVII, nổi danh trong và ngoài nước với thương cảng lớn nhất ở đàng ngoài, một tiểu Tràng An – chốn phồn hoa đô hội một thời, đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch (Khoái Châu) gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung công chúa là một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam; đền Ủng (Ân Thi) nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão; đền thờ đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Yên Mỹ); làng Nôm ở xã Đại Đồng (Văn Lâm) – một làng cổ thuần Việt… có giá trị lớn về mặt lịch sử văn hóa và kiến trúc. Gắn với các di tích, hàng năm Hưng Yên có hơn 400 lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt, nơi phản ánh những truyền thống, phong tục, tập quán của người dân “tiểu Tràng An”: lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, lễ hội dân gian Phố Hiến, lễ hội Đền Mẫu, lễ hội đền Ủng... 

Khu di tích quốc gia đặc biệt phố Hiến

Đến khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, để được cảm nhận những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật phong phú, độc đáo, ghi dấu một thời của "Tiểu Tràng An". Phố Hiến nổi tiếng là nơi đô hội phồn hoa, chỉ đứng sau Thăng Long – Kẻ Chợ. Người đời vẫn truyền câu rằng: “Thứ nhất Kinh Kỳ. Thứ nhì Phố Hiến”,   Hơn nữa, vẻ đẹp của các công trình trong quần thể di tích Phố Hiến còn là sự kết tinh và giao thoa giữa phong cách kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc theo kiểu phương Tây.    

Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gồm 16 di tích tiêu biểu hợp thành, đó là: Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, Đền Mẫu, Đền Trần, đình- chùa Hiến, chùa Phố, chùa Nễ Châu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, Đông Đô Quảng Hội, đền Mây, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đền Bà Chúa Kho, đình An Vũ, đền Kim Đằng, đền Nam Hòa.

Đền Phù Ủng

Đền Phù Ủng nằm trên khu đất có thế “Thất tinh ứng hậu, hình nhân bái tướng, voi quỳ ngựa phục, bên bút bên nghiên bên cờ bên kiếm…” Đền được xây dựng từ thế kỷ XIV, trùng tu vào thời Nguyễn, gồm khu đền chính thờ Điện súy Thượng tướng công Phạm Ngũ Lão, bên trái là lăng Phạm Tiên Công (thân phụ), bên phải có đền Mẫu (thờ thân mẫu), Khuê Văn Các kiến trúc hình bát giác. Khu trong được bố cục theo kiểu “Tiền Thần Hậu Phật” gồm đền thờ công chúa Tĩnh Huệ (con gái Phạm Ngũ Lão), chùa Bảo Sơn (Cảm Ân Tự), lăng quốc công Vũ Hồng Lượng.

Năm 1988, đền Phù Ủng được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hằng năm, đền thu hút hàng ngàn lượt khách về thăm viếng và chiêm bái để tỏ lòng tôn kính đối với vị tướng tài giỏi của dân tộc và cũng để tham quan vẻ đẹp độc đáo của nơi đây.

Cụm di tích đền Đa Hòa - đền Dạ Trạch

Cụm di tích đền Đa Hòa - đền Dạ Trạch - cửa Hàm Tử - Bãi Sậy là nơi gắn liền với mối duyên lành của nàng công chúa Tiên Dung với chàng trai nghèo họ Chử hoặc đắm mình trong nét đẹp cổ thuần Việt của làng Nôm (Văn Lâm) với cảnh quan, kiến trúc thuần Việt có một không hai ở đồng bằng sông Hồng. Chùa Nôm, đình Nôm, cầu Nôm, chợ Cầu Nôm, cổng làng, sông Nguyệt Đức, cùng với những ngôi nhà cổ, những con đường lát gạch... sẽ đưa du khách trở về với nét đẹp cổ xưa của dân tộc.

Đền Đa Hòa - đền Dạ Trạch - cửa Hàm Tử là điểm đến thu hút đông đảo dân địa phương và du khách gần xa. Đền Đa Hòa (thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu) nằm bên tả ngạn sông Hồng, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, là nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân. Tổng thể kiến trúc bao gồm 18 công trình với các mái hình thuyền, thể hiện sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của một nhà kiến trúc đại tài cuối thế kỷ 19 - tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Ngôi đền không chỉ là một điểm đến tâm linh mà còn được ví như “chốn bồng lai tiên cảnh”

Nằm trong cụm di tích thuộc huyện Khoái Châu còn có đền Dạ Trạch hay còn gọi là đền Hóa thuộc thôn Vĩnh, xã Dạ Trạch. Đây chính là nơi Đức thánh cùng nhị vị phu nhân hóa về trời, để lại một vùng đầm hồ rộng lớn gọi là “Đầm Nhất Dạ”.

Lễ hội Văn hóa dân gian phố Hiến

Lễ hội Văn hóa dân gian phố Hiến là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hưng Yên. Phố Hiến ngày nay là nơi bảo lưu gần như nguyên vẹn những di tích lịch sử có kiến trúc độc đáo, những tín ngưỡng, phong tục, tập tục của thương cảng sầm uất một thời.

Trong lễ hội, các nghi lễ được tổ chức long trọng như lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ rước kiệu… nhằm khôi phục, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng ở các đình, đền, chùa… Đặc sắc nhất là phần rước kiệu, đoàn rước với sự tham gia của hàng nghìn người, kéo dài 2km, rước qua các tuyến phố chính và các đình, đền, chùa trong thành phố. Các nghi lễ thể hiện niềm tin, lòng kính trọng, tôn thờ tới những vị tiên, Phật, những vị thánh, những anh hùng dân tộc đã có công khai phá tạo nên cuộc sống yên vui cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Làng nghề đan đó Thủ Sỹ

Tre tượng trưng cho hồn cốt, tính cách người Việt, tre góp phần hình thành bao làng nghề tài khéo. Làng Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên nức tiếng gần xa với nghề đan đó từ tre nứa - dụng cụ không thể thiếu của người nông dân dùng bắt tôm cá.

Tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, có làng Thủ Sỹ được biết đến với nghề đan đó truyền thống, hiện lên với hình ảnh một làng quê đậm chất Bắc Bộ. Nơi đó có những ngôi nhà mái ngói cũ kĩ, những nếp nhà ba gian cổ hay những lũy tre làng tạo nên một khung cảnh miền quê thanh bình, yên ả. Đến với làng Thủ Sỹ, du khách thập phương sẽ cảm nhận được sự bình dị vô cùng thân thương. Từ đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây, những chiếc đó được đem đi hầu khắp các tỉnh, thành của miền Bắc và xuất khẩu tới một số nước khác.

Hưng Yên, mảnh đất văn hiến ngày nay là sự giao thoa giữa nét văn hóa xưa với hiện đại, mới lạ, hấp dẫn Hưng Yên không chỉ là nơi dừng lại để tham quan, vãn cảnh hay tham gia hội hè, mà còn là địa danh để mỗi chúng ta tìm về những giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục lịch sử sâu sắc, khơi dậy hơn nữa lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam.

PV