Học tập, làm theo tấm gương bảo vệ môi trường của chủ tịch Hồ Chí Minh

24/08/2020 7:20:23 CH
Share Bai :

MT&XH - Trước tình trạng môi trường ở nhiều nơi trên nước ta đang bị hủy hoại, ô nhiễm và xuống cấp, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác một cách lãng phí, quản lý lỏng lẻo, thiết nghĩ các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu, triệt để hơn để ngăn chặn, xử lý, giải quyết những vấn đề bức xúc về tài nguyên, môi trường. Học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương bảo vệ môi trường của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sống thân thiện với thiên nhiên, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên rất quan trọng và cần thiết. Bởi vì đó là một nội dung trong đạo đức của mỗi công dân, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên hiện nay.

Ngay từ rất sớm, vào giữa thế kỷ XIX, trong tác phẩm “Phép biện chứng của tự nhiên”, F. Ăng ghen đã cảnh báo về sự “trả thù” của của tự nhiên đối với con người khi con người coi mình là “kẻ thống trị” tự nhiên, hành động “bóc lột” tự nhiên một cách thái quá. Còn C. Mác lại đề cập khía cạnh phản đạo đức, phản văn hóa trong quá trình con người tác động vào tự nhiên. Mặc dù không qua trường lớp nào đào tạo về những kiến thức về môi trường nhưng với khả năng tự học đặc biệt cùng với những trải nghiệm trong thực tiễn, qua quá trình hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn luôn thể hiện là một người đi tiên phong trong nhận thức và nhất quán trong tư duy và ngày càng phong phú, sinh động cụ thể ý thức bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Điều này thể hiện trong rõ trong cuộc đời của Bác thể hiện qua nhiều bài nói, bài viết, qua các câu chuyện sinh hoạt hằng ngày.

Ngày 15/2/1965, Bác Hồ về thăm xã Nam Chính (Nam Sách, Hải Dương). Sau khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, Bác đi kiểm tra các công trình vệ sinh của nhân dân. Ảnh tư liệu

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, khi bôn ba ở các nước tư bản, các nước thuộc địa ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, mục đích chính của Bác Hồ là tìm con đường để cứu nước, cứu dân khỏi ách nô lệ, nhưng đồng thời Bác lại có tầm nhìn lâu dài, đi trước về vấn đề môi trường ở các nước thuộc địa. Nhiều bài viết trong giai đoạn từ năm 1920 đến 1930, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lên án chính sách khai thác thuộc địa ở Đông Dương, ở châu Phi, châu Mỹ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Những chính sách khai thác này làm lãng phí, kiệt quệ các mỏ khoáng sản thiên nhiên, chặt phá các cánh rừng để lập các đồn điền và mất cân bằng sinh thái, sa mạc hóa ở nhiều vùng khi nắn các dòng chảy của sông cho để tập trung nguồn nước vào một số nơi. Cùng với việc tố cáo, lên án các chính sách bóc lột khai thác, bóc lột về kinh tế, ở nhiều bài viết, bài nói trong giai đoạn này, Nguyễn Ái Quốc còn lên án sự bóc lột lao động, nhân dân ở các nước thuộc địa về thể xác và về văn hóa bằng nhà tù, thuốc phiện và rượu cồn. Đây chính là khía cạnh sự tàn phá môi trường nhân văn.

Sau khi tìm được con đường cứu nước, trở về nước hoạt động, tuy mục tiêu chính quan trọng bậc nhất của cách mạng nước ta giai đoạn này là độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước, nhưng Bác Hồ luôn luôn ý thức sự cần thiết giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái nơi công tác, nơi ở, nơi làm việc.

Đầu tiên, Bác Hồ rất chú ý tới vấn đề nâng cao nhận thức về môi trường cho tất cả mọi người. Người dặn rằng: “Cần giáo dục rộng khắp cho nhân dân biết giữ vệ sinh. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ: ​Phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”. Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa lao động, vệ sinh và sức khỏe: “Muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”.

Thời kháng chiến, Người tận tình chỉ ra nguyên nhân của một số bệnh thường gặp: “Đồng bào mình còn nhiều người sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột không? Không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ”.

Để vận động toàn dân hiểu biết tầm quan trọng của môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường, Người đã đưa công tác vệ sinh phòng bệnh vào phong trào thi đua yêu nước. Vì thế Người đã khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước” và được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Người rất chú ý tới việc giữ vệ sinh nơi đông người, nơi tập thể vì nơi đó nếu thiếu vệ sinh sẽ rất dễ phát sinh dịch bệnh và chính Người là một tấm gương sáng về việc giữ gìn trong sạch vệ sinh môi trường.

Người phát động toàn dân quan tâm đến việc trồng cây gây rừng góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường. Ngày 28-11-1959 với bút danh Trần Lực, Người viết bài báo “Tết trồng cây” phát động phong trào trồng cây rộng khắp. Từ đó phong trào này đã ăn sâu vào mọi làng xóm, thôn, xã, phố phường để rồi mỗi mùa Xuân về người người đều hưởng ứng Tết trồng cây.

Nhớ lại và soi rọi những quan điểm, ý kiến của Bác Hồ về môi trường vào thực tế hôm nay chúng ta cảm nhận vô cùng xác thực; Nghiêm túc mà nói, trong một thời gian dài, chúng ta chưa chú trọng nghiên cứu thấu đáo những ý kiến, quan điểm chỉ đạo của Bác Hồ về vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, chúng ta chưa làm tốt lời dạy của Bác. Môi trường của ta hiện nay đang bị xuống cấp, ô nhiễm đến mức báo động, những vụ phá rừng, chặt trộm cây, đốt rừng để làm nương rẫy vẫn thường xuyên xảy ra. Nạn ô nhiễm của chất thải công nghiệp, nạn ô nhiễm không khí vì khí thải của các nhà máy, xí nghiệp... đang từng ngày, từng giờ diễn ra. Hơn lúc nào hết những lời dạy của Bác Hồ về môi trường hôm nay chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc hơn.

Để công tác bảo vệ môi trường đi vào thực tế, cần phải đẩy mạnh khâu tuyên truyền thật sâu và rộng khắp về môi trường và bảo vệ môi trường trong nhận thức đến tận người dân, đến các nhà máy, xí nghiệp để mọi người hiểu và chấp hành một cách triệt để. Các đoàn thể chính trị, xã hội phải tập huấn kiến thức về môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường để cho mỗi đoàn viên, hội viên thực sự tr thành là những tuyên truyền viên tích cực về môi trường và bảo vệ môi trường; Thực hiện nhiệm vụ cùng với nhân dân, cộng đồng các khu dân cư, các nơi công cộng tích cực bảo vệ môi trường; Đồng thời trong công tác vận động quần chúng cần có biểu dương những việc làm tốt đối với những cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; Ngược lại cũng cần có sự phê bình và kiên quyết xử lý những cá nhân, tập thể có những hành vi gây ô nhiễm môi trường và không có thái độ trong công tác bảo vệ môi trường như xả rác, xả chất thải bừa bãi ra đường, ra phố, xuống lòng sông.

 Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969, Ảnh tư liệu

Xã hội chúng ta hôm nay đang tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Trong mấy năm qua, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, từng cộng đồng dân cư, thôn, ấp, khu phố, tổ dân phố đều có triển khai rộng rãi trong từng hộ dân. Nếu chúng ta tiếp tục tuyên truyền và có nhiều hình thức động viên, khen thưởng, nhất định cuộc vận động bảo vệ môi trường và thực hiện nếp sống văn minh đô thị sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.

Ngày nay, trong bối cảnh trái đất của chúng ta đang đứng trước những vấn nạn như: Ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, hạn hán… thì công việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của Chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hơn 50 năm đã trôi qua, “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và những lời căn dặn của Người về giữ gìn, bảo vệ môi truờng sinh thái thân thiện, bền vững với đời sống con người càng có ý nghĩa lớn lao và thiết thực. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.

Việt Hồng