Hóa chất - Con dao hai lưỡi

26/07/2020 6:11:51 SA
Share Bai :

MT&XH - Để phát triển kinh tế xã hội song song với giảm ô nhiễm môi trường đã và đang đặt ra những dấu hỏi đối với quản lý nhà nước trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng hóa chất trong công nghiệp – Nông nghiệp, sẵn sàng ứng phó với các sự cố giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn là bài toán nan giải.

Thời gian qua, để bảo đảm an toàn sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng hóa chất trên địa bàn. Tuy nhiên, việc chủ động có các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa sự cố vẫn là giải pháp quan trọng nhất.

Khó khăn trong quản lý

Sau vụ cháy kho hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) ngày 30-6 vừa qua, cơ quan chức năng đã phải áp dụng các biện pháp như: Che phủ khu vực cháy, phun tiêu độc, sử dụng thiết bị chuyên dụng thu dọn phế thải… để ngăn ngừa chất độc có thể phát tán. Trước đó, hồi tháng 8-2019, vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân) cũng đã khiến cơ quan chức năng tốn nhiều công sức, thời gian để khắc phục ảnh hưởng môi trường. Điều đó cho thấy sự cố liên quan đến hóa chất thường gây hậu quả khó lường, đòi hỏi công tác quản lý phải chặt chẽ.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 108.568 doanh nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất hóa chất (phối trộn sơn), hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh hóa chất. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đều sử dụng hóa chất. Hóa chất lưu giữ trong kho được phân lô, phân loại, trang bị phòng cháy, chữa cháy, bảo hộ lao động khi tiếp xúc...

Chia sẻ về công tác quản lý hóa chất trong sản xuất công nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, các hoạt động liên quan đến hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người và môi trường. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay trong công tác quản lý là các cơ sở sản xuất nhỏ có sử dụng hóa chất nằm gần các khu dân cư đang thiếu quy định quản lý cụ thể.

Theo luật sư Nguyễn Thị Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội), Luật Hóa chất cũng không nêu rõ khoảng cách an toàn giữa kho chứa và khu dân cư, mà chỉ yêu cầu xây dựng kế hoạch ngăn ngừa, khắc phục sự cố hóa chất và phải thiết lập khoảng cách an toàn đối với các điểm dân cư...

Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh (quận Long Biên) Hoàng Văn Lực chia sẻ, đối với cơ sở sản xuất gần khu dân cư, UBND phường không quản lý cấp phép, khi cơ quan chức năng cấp phép cho doanh nghiệp có sử dụng hóa chất cũng không trao đổi với địa phương, nên việc quản lý rất khó khăn.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy nỗ lực dập lửa trong vụ cháy kho hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt (phường Thượng Thanh, quận Long Biên).

Nông dân phụ thuộc hóa chất trong sản xuất nông nghiệp

Trong suốt nhiều thập niên, những nông dân Việt Nam đã lệ thuộc vào hóa chất diệt cỏ trứ danh này để duy trì sinh kế.

Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện năm 2017 thống kê, khoảng 20% nông dân đang sử dụng thuốc trừ sâu vi phạm các quy định hiện hành, sử dụng thuốc trừ sâu bất hợp pháp nhập khẩu, cấm hoặc thậm chí giả mạo.

Khảo sát còn cho thấy một vấn đề khác trong thói quen của người nông dân, khi bao bì đựng thuốc hóa học sau khi sử dụng được thải ngay tại chỗ, cùng với các hóa chất còn sót lại, trực tiếp vào cánh đồng, kênh rạch và suối. Năm 2013, chỉ có 17% nông dân được hỏi cho biết họ có thu thập bao bì thuốc để chôn hoặc tái chế.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật nhận định "chuyện người dân lưu trữ chất cấm trong nhà và sử dụng trái phép rất khó quản lý, vì khi đó đã là tài sản cá nhân. Về luật, không được bán trên thị trường, nếu vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc cấm thì hoàn toàn do nhận thức của người dân".

Bà Lưu Thị Hằng, Trưởng phòng thanh tra pháp chế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng: "Phạt người sử dụng chỉ là phần ngọn, để giải quyết gốc rễ vấn đề thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu phải phụ thuộc vào nhiều cơ quan chức năng và đặc biệt là ý thức của người dân".

Các quan sát viên của World Bank nhận định rằng, một trong những vấn đề của việc quản lý thuốc trừ sâu, là chính các nông hộ nhỏ "đôi khi thiếu năng lực về tài chính, không gian vật lý hoặc kỹ năng và chuyên môn để áp dụng các công nghệ hoặc thực tiễn nhất định và đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định".

Tổ chức này khuyến nghị chính phủ Việt Nam sử dụng thêm "củ cà rốt" bên cạnh "cây gậy". Đó có thể là cách khuyến khích kinh tế, các phương pháp trồng trọt mới giúp giảm chi phí, giảm ô nhiễm nhưng không giảm năng suất - thứ mà những người như ông Biền hay bà Thêu chưa biết, hoặc chưa thể hiểu.

Trong căn chòi dựng tạm cạnh vườn rau, ông Biền đung đưa võng nghỉ ngơi. Đôi bàn chân người đàn ông quen gắn bó với ruộng đồng to bè, móng két đầy phèn. Gương mặt ông sạm đen và đờ đẫn. Mười mấy năm ông Biền đã quen mùi phân bón, thuốc sâu giờ vẫn hay nhức đầu, chóng mặt sau mỗi lần xịt thuốc.

Sự phát triển kinh tế xã hội song song với bảo vệ môi trường vẫn cần những giải pháp triệt để của những chuyên gia đầu ngành, các ban ngành quản lý nhà nước và ý thức người dân góp phần giải quyết vấn đề tận gốc.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, những sự cố hóa chất xảy ra trong thời gian qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo công tác quản lý việc mua bán hóa chất quá lỏng lẻo tại nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Các loại hóa chất cực độc, cực nguy hiểm, thậm chí là hóa chất dùng để điều chế thuốc nổ dễ dàng mua được tại các chợ lớn.

Cùng với đó, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc đang âm thầm điều chế những “quả bom” có sức công phá lớn có thể nổ bất cứ lúc nào. Thậm chí, một đứa trẻ chưa đủ vị thanh niên cũng có thể dễ dàng mua hóa chất đem về phòng để chế thuốc nổ. Đó là mối nguy hiểm tiềm tàng đang ngày ngày đe dọa mạng sống và môi trường của cộng đồng.

Các vụ nổ hóa chất nghiệm trọng xảy ra gần đây cảnh báo về sự mất an toàn lao động tại các nhà máy hóa chất và cư dân sinh sống xung quanh. Nếu không có các giải pháp phòng chống hoặc ứng phó với việc xảy ra sự cố rò rỉ, nổ hóa chất thì hệ lụy kèm theo là vô cùng lớn đối với con người và môi trường.

Đặc biệt, để khắc phục sự cố hóa chất trong thời gian tới, theo Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất trực thuộc Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), đơn vị này sẽ phối hợp liên ngành tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, ứng phó sự cố hóa chất của các doanh nghiệp, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng lượng lớn hoá chất, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất. Kiểm tra, cải tạo nâng cấp kho chứa hóa chất nguy hiểm. Đảm bảo đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy, nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hóa chất xảy ra.

Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán băng rôn, khẩu hiệu về nguy cơ, tác hại của sự cố hóa chất và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhằm bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường./.

Thanh Huyên (T/h)

  • Tags: